Tình hình thị trường bất động sản gần đây đang gặp phải những khó khăn ngắn hạn. Các phân khúc sản phẩm mang nặng tính chất đầu cơ bị giảm giá trị và gần như mất thanh khoản. Tuy nhiên, việc giảm giá này không đại diện cho toàn bộ thị trường mà chỉ diễn ra ở một số khu vực cục bộ và những điểm sốt nóng trước đây.
Ở các khu vực có sự ổn định về giá, dư địa tăng trưởng tốt, sản phẩm hướng tới giá trị thực vẫn nhận được nhiều sự quan tâm như một kênh tích sản bền vững. Nổi bật phải kể đến việc đi ngược dòng thị trường, đón đầu xu thế chuyển dịch công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia ở phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản phụ cận, liền kề các khu công nghiệp.
Theo báo cáo Industrial Insider do Savills Việt Nam công bố vào tháng 9, tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%. Thị trường bất động sản công nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã được lấp đầy gần như hoàn toàn.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của Việt Nam. Theo số liệu công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD.
Trong 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 09 tháng đầu năm, nước ta ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%.
Bất động sản khu công nghiệp được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tỏa sáng trong những tháng cuối năm 2022 và trong năm tới, tạo hiệu ứng domino cho các bất động sản liền kề, phụ trợ khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, dịch vụ thương mại cho khối lượng công nhân ngày càng lớn.
Trong 02 năm gần đây, Thái Bình là địa phương thu hút được lượng lớn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Chỉ tính riêng khu công nghiệp Liên Hà Thái – khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh đã đạt gần 1 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tính từ năm 2021 tới nay, hứa hẹn tạo việc làm cho 50.000 lao động trong tương lai. Từ đó, thị trường bất động sản phụ cận quanh khu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển Thái Bình với chiều dài trên 34km đi qua huyện Thái Thụy; đề án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng 6 làn xe, dự kiến khởi công năm 2023 là những công trình được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, bất động sản tại Thái Bình khi hoàn thành.
Hiện tại, Thái Bình đang được đầu tư phát triển toàn diện nhờ cộng hưởng yếu tố thu hút FDI, phát triển công nghiệp cùng lực đẩy hạ tầng. Với vị trí nằm ở tâm điểm hội tụ của mọi làn sóng ‘sáng’, tỉnh Thái Bình được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư, đảm bảo tính thanh khoản cao và sinh lời bền vững.
Hồng Nhung (t/h)