Nếu tính cả số thuế và tiền thuê đất được gia hạn thời gian nộp theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ (47,6 nghìn tỷ đồng), thì thu NSNN 7 tháng ước đạt 54,7% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Về tổng thể, kết quả thu nội địa 7 tháng đạt thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây (7 tháng năm 2019 thu đạt 62% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ; năm 2018 đạt 8,4% dự toán, tăng 11,7%%; năm 2017 đạt 54,9 % dự toán, tăng 11,7%...).

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ 

Diễn biến thu các tháng cũng giảm dần (tháng 1 thu đạt 12,5% dự toán; tháng 2 đạt 6,4% dự toán; tháng 3 đạt 7,6% dự toán; tháng 4 đạt 6,9% dự toán; tháng 5 đạt 4,8% dự toán; tháng 6 đạt 6% dự toán và tháng 7 đạt 7,1% dự toán). Mức sụt giảm thu diễn ra ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ,...

Đến hết tháng 7, có 6/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán và cao hơn mức bình quân chung (đạt trên 58%), chủ yếu là các khoản thu nhỏ và thu tiền sử dụng đất (đạt 80,9% dự toán); 6 khoản thu còn lại, bao gồm cả các khoản thu quan trọng từ 3 khu vực kinh tế, không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 44,8% dự toán, giảm 21%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,5% dự toán, giảm 12,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 42,9% dự toán, giảm 20,5%; các loại phí, lệ phí đạt 44,4% dự toán, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019...

Ước tính cả nước có 28/63 địa phương thu nội địa đạt trên 58% dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất có 16/63 địa phương thu nội địa đạt trên 58% dự toán); 15/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 48 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Trong đó: thu từ dầu thô ước đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2019. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 106,47 nghìn tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế, cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 285,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: xăng dầu các 1oại giảm 48,7%, ô tô nguyên chiếc giảm 47,6%, sắt thép giảm 14,1%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 4,2%... đã tác động làm giảm thu ngân sách.

Cùng với công tác quản lý thu, các cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện thanh, kiểm tra, thu đúng, thu đủ vào NSNN. Cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 32,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra khoảng 301,4 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, kiến nghị xử thu vào ngân sách và giảm lỗ gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN 10,9 nghìn tỷ đồng (số đã thu được vào NSNN 5.148 tỷ đồng).

Cơ quan thuế cũng đã tích cực xử lý thu hồi 16,37 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tính đến ngày 20/7/2020, các cơ quan thuế đã tiếp nhận 163,1 nghìn giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ, với tổng số tiền được gia hạn khoảng 47,6 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, việc xử lý gia hạn cho người nộp thuế đảm bảo đúng chế độ quy định, kịp thời; đồng thời tăng cường công tác tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN.

Trong tháng 7 đầu năm, cơ quan hải quan thực hiện 869 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 752 cuộc kiểm tra sau thông quan, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 811 tỷ đồng (đã thu nộp 806 tỷ đồng). Cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 1.081 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 67 tỷ đồng.

Về thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách, NSNN đã đáp ứng các nhiệm vụ chi trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm theo dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Hà Trần