Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Giao Thủy tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay diện mạo nông thôn của huyện Giao Thủy được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương...
Ngoài ra, văn hóa, xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.
Đến nay, toàn huyện có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025; 14/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; 157/195 xóm Tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy đã được Hội đồng Trung ương đánh giá, thẩm định đạt chuẩn 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 84,46 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 4 lần so với năm 2010.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 3,29% năm 2017, xuống còn 1,07% năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm còn 0,77%. Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 là 3,01%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2023 đạt 95,80%, tăng 9,86% so với năm 2017…
Mai Chiến - Phạm Thịnh