Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tham dự hội nghị qua 33 điểm cầu trực tuyến tại địa phương có các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ GTVT vẫn là một điểm nghẽn lớn trong phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước cũng đã xác định xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, là một trong khâu đột phá chiến lược.
Chúng ta đã có chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động, bố trí vốn từ nhiều nguồn khác nhau để triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Tuy nhiên, thực thi vẫn là một khâu yếu, do đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu thẳng thắn, kiểm điểm lại các công việc đã triển khai sau phiên họp thứ nhất, đặc biệt là nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của ai, giải pháp là gì, thẩm quyền giải quyết của cấp nào.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo thời gian tới tăng cường kiểm tra, đôn đốc, làm việc tại hiện trường các dự án để sâu sát hơn, có thêm cảm xúc để làm việc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc; đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết, cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực cho phát triển giao thông, song việc tổ chức thực hiện vẫn đang là điểm yếu.
Hiện nay việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chưa đạt mục tiêu đề ra; nhất là tại các dự án đường bộ cao tốc.
“Nhiều công việc chưa có tiến triển lớn, gây bức xúc, nhất là tại các thành phố lớn và các vướng mắc, khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng, nhất là mỏ vật liệu,” Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương xuống tận công trường, kiểm tra thực địa để chứng kiến thực tế, có cảm xúc, động lực để giải quyết công việc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại phiên họp các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc được giao; đi vào những vấn đề trọng điểm; tuân thủ việc phân cấp, phân quyền, hạn chế bớt đẩy việc lên cấp trên, thảo luận chỉ rõ tại các công trình, dự án đang vướng mắc những gì, ở đâu, khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Trước đó, ngày 10/08, Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất ngay sau khi được thành lập, ngày 23/07, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm sau đây: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía đông, Bến Lức-Long Thành, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. HCM; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết...
Phương Thảo (t/h)