“Người Việt Nam chúng tôi thường nói câu có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là không có gì. Nhờ luôn có niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần đầu tiên tổ chức sáng 5/12.
Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích nhưng việc duy trì và phát triển hơn nữa vẫn là những thách thức lớn, rất cần sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế.
3 điểm nghẽn để thoát bẫy thu nhập trung bình
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Muốn vươn lên nước có thu nhập trung bình cao là rất thách thức. Nếu không làm được thì thành quả đổi mới của nhiều năm qua giảm đi rất nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Việt Linh)
Ông nhấn mạnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc thực hiện 3 đột phá về hạ tầng, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực đã đạt được những thành tựu nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng.
“Tôi mong muốn các bạn gửi gắm niềm tin, đồng hành cùng Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi cần hỗ trợ rất nhiều để cải thiện được 3 điểm nghẽn”, Thủ tướng nói.
Ông cũng lưu ý thách thức càng lớn hơn khi thế giới đang có nhiều biến động, cơ hội thách thức đan xen, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn thiếu vững chắc, cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lo ngại về sự nổi lên của chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột căng thẳng tại một số quốc gia trên thế giới… Điều đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam kiên định với mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Ông nhận định Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng 30 năm tới tương đương 30 năm qua là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, Việt Nam có khát vọng gia nhập nhóm thu nhập cao trên thế giới.
Ông cho rằng con đường tới mục tiêu này không bằng phẳng, mà có nhiều chông gai thách thức, khôngchỉ nội tại mà còn ở quốc tế. Để làm được điều này, Việt Nam tiếp tục giải quyết 3 điểm nghẽn, xem đây là 3 đột phá chiến lược.
Thứ nhất, về thể chế, ông cho biết Diễn đàn kinh tế thế với WEF đánh giá Việt Nam đang đứng thấp, gây bất lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần phải tìm ra cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn.
“Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Tập trung chuyển đổi số, ưu tiên xây dựng khung pháp lý, số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ, lựa chọn được người tài”, ông nói.
Đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. (Ảnh: Việt Linh)
Về xây dựng nguồn nhân lực, Chính phủ đánh giá đây là chìa khóa vàng cho thành công. Do đó Chính phủ tích cực tìm kiếm các giải pháp hiệu quả xây dựng nguồn lựcchất lượng phục vụ phát triển bền vững. Hiện Việt Nam mới chỉ có 40% nhân lực qua đào tạo, thuộc nhóm nước chưa sẵn sàng cao với cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chúng tôi nghĩ rằng con người vừa là trung tâm, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Con người và công nghệ là chìa khóa và ổ khóa, phải tương thích với nhau. Các mạng công nghiệp 4.0 không thể khả thi khi nếu thiếu con người 4.0”, ông nói.
Về hạ tầng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần tạo cơ chế khai thông nguồn lực, lập các cơ chế sáng tạo trong hợp tác công tư, để gia tăng nhanh chóng kết cấu hạ tầng, phục vụ nhu cầu phát triển, kết nối các vùng miền, các khu kinh tế phát triển. Thời gian tới Chính phủ sẽ đầu tư vào hạ tầng thông minh, hạ tầng số, tăng cường kết nối, phục vụ yêu cầu mới trong phát triển.
Khuyến khích thanh niên dám làm, không sợ hãi khởi nghiệp
Song song với thực hiện 3 đột phá nêu trên, Chính phủ cũng triển khai 2 động lực mới trong thời gian tới.
Một là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội để hội nhập sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, giúp mọi quốc gia có thể vươn lên bứt phá. Ông nhận định không khí khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, bứt phá như hiện nay, chưa bao giờ bao giờ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công như bây giờ.
“Đây không phải là phong trào mà là tinh thần quyết tâm của người dân, đưa kinh tế đột phát triển tiến tới gần các nước phát triển”, ông nói.
Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Việt Linh)
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có chính sách phù hợp, tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp ý, sở hữu trí tuệ, cơ chế thị trường, khoa học, công nghệ, tạo sự liên kết cơ sở đào tạo và nơi sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả vật chất hiện có. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm mầm cho các doanh nghiệp vươn lên tầm cỡ.
Động lực thứ hai được Thủ tướng nhấn mạnh là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đây là đòn bẩy quan trọng tạo sức cạnh tranh khi môi trường quốc tế, khoa học công nghệ nhiều biến động. Việt Nam luôn quan tâm và có hành động cụ thể phát triển kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
“Khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trong đội ngũ thanh niên trẻ, có khát vọng, dám làm, dám chấp nhận vấp ngã, không sợ hãi và biết đứng lên”, ông nói.
Mong các đối tác, nhà tài trợ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp các tham luận, góp ý, các ý kiến phát biểu để đề xuất Thủ tướng triển khai những chính sách, phát huy động lực cho phát triển,
“Việt Nam mong muốn trong thập niên tới có thể đóng góp trở lại cho các nước kém phát triển hơn. Việt Nam luôn lắng nghe để hành động, hướng tới sự thịnh vượng và bền vững”, ông nói.
Theo zing.vn