Đón tàu container quốc tế lần đầu cập cảng Chân Mây
Đón tàu container quốc tế lần đầu cập cảng Chân Mây.

Đây là lần đầu tiên cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế cập cảng. Được biết, Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn và có nhiều tiềm năng để có thể mở rộng. Cảng Chân Mây có thể tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT, tàu hàng container có sức chứa đến 4.000 Teu, tàu khách đến 362m và 225, 282 GRT. Việc cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đón hàng container phù hợp Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay cảng Chân Mây đang khai thác 2 bến với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m, trong đó, bến số 1 là 480m, bến số 2 là 280m. Hàng năm, cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn, như năm 2021 là hơn 3,34 triệu tấn, với 884 lượt tàu thông qua. Trong 8 tháng đầu năm 2022, có hơn 2,55 triệu tấn hàng hóa thông qua, với 589 lượt tàu. Hàng hóa qua cảng chủ yếu là hàng rời như than, xi măng clinker, dăm gỗ, cát, bột sắn...

Cảng Chân Mây
Cảng Chân Mây.

Trao đổi với PV Thương Hiệu& Công Luận, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 07/09/2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023

Theo đó, hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container.

Dự kiến, tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này khoảng hơn 18,3 tỷ đồng/năm.

Bộ GTVT đã có quyết định cho phép, giai đoạn đến năm 2030 cảng Chân Mây được bổ sung thêm 3 bến (bến số 4, số 5, số 6) trong đó bến 4, 5 tổng chiều dài 540 m khai thác hàng container, cho cỡ tàu đến 70.000 tấn.

Bốc xếp hàng tại cảng Chân Mây
Bốc xếp hàng tại cảng Chân Mây.

Việc Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển và các đối tượng mở tuyến vận chuyển container đi, đến Cảng Chân Mây, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là căn cứ lợi thế gần khu vực Trung Hạ Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan; đồng thời khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị hiện chưa có tuyến vận tải container. Trong khi đó, hoạt động triển khai các dự án các khu công nghiệp ở những địa phương này đang diễn ra sôi nổi.

Theo tính toán, sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ tàu container, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng sản xuất men frit dự kiến có khoảng 25% lượng hàng đi/đến cảng Chân Mây, tương đương khoảng 4.500 Teus/năm (loại container 20 feet); Hàng sản xuất ngành sợi dự kiến có khoảng 12,5% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng 2.250 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất ngành may mặc dự kiến có khoảng 5% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng 950 Teus/năm (loại container 40 feet); Hàng sản xuất, lắp ráp ngành cơ khí dự kiến có khoảng 50% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng tương đương khoảng 900 Teus/năm (loại container 20 feet).

                                                                                                                                            Trần Minh Tích