Cầu Ngói Thanh Toàn điểm du lịch nổi tiếng ở thị xã Hương Thuỷ
Cầu Ngói Thanh Toàn điểm du lịch nổi tiếng ở thị xã Hương Thuỷ.

 Theo đó, thị xã Hương Thủy có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 100%. Trong đó, 3 xã được công nhận NTM từ năm 2015, gồm Thủy Thanh, Thủy Tân và Dương Hòa. Qua 10 năm xây dựng NTM, bên cạnh 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và không có nợ đọng xây dựng cơ bản, từ nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nguồn vốn của nhân dân và của các HTX nông nghiệp đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị xã phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của 7 xã đạt 11,6 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2020, con số này là 46,08 triệu đồng/năm. Điều này góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo từ 9,39% (năm 2011) giảm xuống còn 2,41% vào cuối năm 2020. Cũng trong quá trình xây dựng NTM, tổng kinh phí để thực hiện là gần 2.500 tỷ đồng. Ngoài ngân sách của Trung ương, tỉnh, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp…, đã có hơn 150 tỷ đồng (chưa bao gồm 15.730m2 đất, 1.409m tường rào, 4.928 cây xanh, 50.830 công lao động) do người dân đóng góp. Mức đóng góp này khá quan trọng, chiếm 6,059% trên tổng mức đầu tư của chương trình nhưng không vượt quá sức dân (10% trở lên). 

Sinh hoạt văn hoá của người dân xã Thuỷ Thanh
Sinh hoạt văn hoá của người dân xã Thuỷ Thanh.

 Ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, giai đoạn 2021-2025, bên cạnh phấn đấu đưa 2 xã Thủy Thanh và Thủy Phù đạt NTM kiểu mẫu, từ đó phát triển thành phường; các xã Thủy Tân, Dương Hòa và Phú Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, Hương Thủy đã và đang tập trung đầu tư các chỉ tiêu có tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, khắc phục triệt để một số vấn đề liên quan đến quy hoạch khu chế biến, sản xuất nông sản ở khu dân cư, bảo vệ môi trường...

Du khách nước ngoài thích thú với những hoạt động du lịch nông thôn ở thị xã Hương Thuỷ
Du khách nước ngoài thích thú với những hoạt động du lịch nông thôn ở thị xã Hương Thuỷ.

 Được biết, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế có bộ máy tổ chức từ tỉnh xuống cấp huyện, xã, thôn, bản; đời sống của đồng bào nông thôn từng bước được nâng cao

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng từ 12,6 triệu đồng/năm (2010) lên 35,5 triệu đồng năm 2020, gấp 2,8 lần so với năm 2010 (12,6 triệu đồng) và 1,5 lần so với năm 2015 (23,01 triệu đồng), bình quân tăng 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 còn tỷ lệ 4,85% vào năm 2020, giảm 10,05%. Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh đều tăng đáng kể, như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,82%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 87%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt trên 65%; … các chỉ tiêu này đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc; tổng nguồn lực huy động  trong 10 năm cho Chương trình đạt hơn 14.093 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt tỉnh Thừa Thiên Huế không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

                                                                                                                                                 Trần Minh Tích