Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được kỳ vọng đem đến những thay đổi mới cho Triều Tiên - quốc gia vốn khép kín với thế giới bên ngoài. Hội nghị cũng được coi là phép thử để xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng đánh đổi chương trình hạt nhân để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ, trong đó có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt như một điều kiện tiên quyết để phục hưng nền kinh tế hay không.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Triều Tiên đã sẵn sàng đổi hạt nhân lấy kinh tế? - Hình 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa). Ảnh: KCNA

Ông Kim Jong-un và những cải cách kinh tế chưa từng có

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện nhiều chiến dịch cải cách kinh tế lớn chưa từng có tại Triều Tiên. Ông đã ban hành nhiều ưu đãi cho nông dân và chủ doanh nghiệp, thúc đẩy một “nền kinh tế tiền mặt” (nghĩa là thị phần thanh toán hầu như dùng chủ yếu bằng tiền mặt, thay vì hàng hóa đổi hàng hóa), từng bước đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đây là điều mà cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il chưa từng thực hiện được trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Nhận xét về nền kinh tế Triều Tiên, cây bút Matthew Carney của hãng tin ABC cho biết, bộ mặt Triều Tiên đã thay đổi đáng kể từ khi ông đến đây vào năm 2015. Người nông dân được tự quyết định các loại mặt hàng họ sản xuất, miễn là họ đáp ứng được những chỉ tiêu nhà nước đề ra, tương tự như những cải cách mà Trung Quốc đã thực hiện vào những năm 1980.

Theo ông Matthew Carney, người nông dân được cung cấp đất đai để trồng trọt và có thể bán sản phẩm của họ trên thị trường. Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, ông Kim Myong-yon, một nông dân Triều Tiên chia sẻ: “Những cải cách mới đã dần dần nâng cao mức sống của chúng tôi, mang lại cho chúng tôi nhiều lợi nhuận chẳng hạn như gia tăng tiền mặt và giúp chúng tôi có cơ hội sử dụng nhiều loại hàng hóa xa xỉ khác”. 

ABC dẫn số liệu từ một số nhà kinh tế cho biết, kinh tế của Triều Tiên đã tăng trưởng từ 1% đến 2% kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên đã tăng mức trung bình khoảng 1,24% dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un và là mức tăng nhanh nhất trong 17 năm qua.

Là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông Kim Jong-un hiểu rằng để có được sự phát triển toàn diện, Triều Tiên cần phải mở cửa với thế giới để đón nhận các cơ hội đầu tư cũng như cập nhật công nghệ mới.

Trước đó vào tháng 4, ông Kim Jong-un đã có sự thay đổi chiến lược khi tuyên bố chấm dứt chính sách “song hành” là vừa phát triển hạt nhân vừa phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bây giờ là cải thiện kinh tế và tiêu chuẩn sống của người dân.

Phát biểu với ABC, giáo sư Byung-Yeon Kim tại Trường Đại học quốc gia Seoul nhận định, có vẻ như chính những cải cách mạnh bạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ngăn chặn được nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân.

 Triều Tiên có sẵn sàng đánh đổi hạt nhân?

Dù công nhận những thành tựu về kinh tế mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được nhưng ông Byung-Yeon Kim cũng nhấn mạnh đến những tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Ông cho biết, các biện pháp trừng phạt cứng rắn đang gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế, hạn chế nguồn thu nhập chính của quốc gia này.

Theo nhà phân tích này, Trung Quốc là đồng minh và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, chiếm 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Tuy nhiên, vào năm 2017, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc giảm 40% khi Trung Quốc mạnh tay thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đánh vào mặt hàng chủ lực như than đá, quặng và hải sản của Triều Tiên.  Kinh tế Triều Tiên cũng sa sút hơn kể tử thời điểm đó.

Ông Byung-Yeon Kim cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân đưa ông Kim Jong-un tới bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như bày tỏ sẵn sàng phi hạt nhân hóa để đổi lấy sự nhượng bộ về kinh tế theo từng giai đoạn. 

Theo các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc, tại vòng đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong-un sẽ thể hiện thiện chí giải trừ hạt nhân để đổi lấy những ưu đãi chính đáng, trong đó có viện trợ kinh tế và sự đảm bảo an ninh khác từ Washington cũng như những biện pháp mà ông cần để tái thiết nền kinh tế.

Tờ New York Times dẫn lời ông Lee Jong-seok, môt cựu nhân viên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tìm kiếm một sự phát triển kinh tế nhanh chóng mà ông được tận mắt chứng kiến tại Trung Quốc. Khi nhìn vào Triều Tiên, chúng ta chỉ xem xét ở khía cạnh hạt nhân mà không nhìn sang phía khác. Tôi cho rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng giải trừ hạt nhân để đổi lấy sự phát triển kinh tế và sự no ấm của người dân”.

Cùng chung quan điểm này, trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Ankit Panda cho biết: “Triều Tiên thực sự mong muốn Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ diễn ra suôn sẻ và một phần lý do là ông Kim Jong-un hiện nay đang tập trung chính sách cải cách về kinh tế. Không giống như giai đoạn năm 2000 hay 2007, các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã gia tăng đáng kể ở thời điểm hiện nay. Để những biện pháp này được dỡ bỏ, Triều Tiên cần có sự tác động từ Mỹ”./.

 Hồng Anh/VOV.VNTheo ABC, New York Times