BCĐ 389 tỉnh Tiền Giang, hiện đang thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới, tình trạng mua bán, vận chuyển, hàng cấm, hàng nhập lậu.
Cụ thể, hàng hóa chủ yếu là hàng cấm như thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, kim khí điện máy, gỗ, xăng dầu, thực phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm, thuốc tân dược, bột ngọt, gạo, giày dép, phụ tùng xe honda, than đá… Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó, tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng như: vận chuyển hàng hóa nhập khẩu xoay vòng hóa đơn, chia nhỏ hàng hóa hoặc dùng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ trên đường vận chuyển (thực tế là hàng đã bán) nhằm đối phó với các lực lượng trực tiếp kiểm tra. Địa bàn diễn ra chủ yếu trên ba tuyến giao thông: đường bộ, đường sông và đường biển.
Ảnh minh họa
Tuyến đường bộ: các đối tượng vận chuyển nhỏ lẻ bằng phương tiện xe môtô, xe ôtô khách thiết kế hầm bí mật từ các tỉnh biên giới Tây Nam đưa về thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang hoặc lại bán cho các đối tượng tại Tiền Giang tiếp tục chia nhỏ ra để tiêu thụ. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, trái cây, kim khí điện máy, thực phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm, thuốc tân dược, bột ngọt, gạo, giày dép, phụ tùng xe honda.
Tuyến đường sông: các đối tượng lợi dụng sông ngòi chằng chịt, các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Đồng tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, sử dụng phương tiện vận chuyển bằng xuồng gắn động cơ công suất lớn để đối phó với các cơ quan chức năng, thời gian hoạt động của các đối tượng thường vào ban đêm để dễ dàng tẩu thoát khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, đặc biệt là vào mùa nước lũ. Tập trung chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Tuyến đường biển: các đối tượng thường sử dụng tàu đánh bắt thủy sản sang mạn hàng hóa từ ngoài khơi và vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ. Khi bị phát hiện, các đối tượng này không hợp tác lại tìm cách tẩu thoát, trốn tránh. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là mặt hàng thán đá, xăng dầu, phân bón. Địa bàn phát hiện thường xảy ra vi phạm là vùng biển Gò Công và cửa sông Soài Rạp.
Sau khi 3 năm thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu có giảm qua các năm nhưng vẫn còn diễn ra, phương thức, thủ đoạn không mới nhưng biến hóa, đa dạng hơn như trộn lẫn hàng hóa không hợp pháp và hàng hợp pháp, dùng 01 bộ chứng từ để vận chuyển 02 lô hàng có cùng mặt hàng, xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều phương tiện, ... nhằm đối phó với lực lượng kiểm tra. Mặt hàng chủ yếu là: kim khí điện máy, phụ tùng Honda, xăng dầu, gỗ, thuốc tân dược... Đối với mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, đối tượng đối phó bằng cách chia nhỏ số lượng vận chuyển bằng các phương tiện không đăng ký hợp pháp, không chính chủ, khi bị bắt giữ thì bỏ chạy, không xác định được chủ hàng hóa vi phạm hoặc vận chuyển với số lượng dưới 500 bao/lần, để khi bị bắt giữ chỉ bị xử phạt hành chính.
Trước tình hình đó, BCĐ 389 tỉnh xác định công tác tuyên truyền pháp luật đóng vai trò quan trọng, có tác dụng tích cực trong việc nâng cao khả năng hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nội dung tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những quy định trong vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Do đó, các ngành chức năng tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với hình thức khác nhau như: phối hợp Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp thông qua công tác kiểm tra; tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; cho tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng; biên soạn, phát tờ gấp. Cụ thể:
Đã có trên 3 nghìn tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng; cam kết không sản xuất kinh, doanh hàng giả, không đảm bảo chất lượng, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không vi phạm quy định pháp luật trong sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hóa chất bảo quản thực phẩm, chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; cam kết không sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.
Tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thủy sản và thuốc thú y; triển khai, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, an toàn thực phẩm, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ và tác hại của thuốc lá điếu nhập lậu; các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y; giải đáp kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh…
Dự báo tình hình, thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được duy trì ổn định; tình hình cung cầu, giá cả thị trường dự báo ít xảy ra biến động. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn ra; số vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu (thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm, hàng điện tử, quần áo…), hàng hóa không đảm bảo chất lượng có chiều hướng tăng. Đặc biệt là các ngày lễ, tết, …
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP, Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389, tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tập trung các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, xăng dầu, thuốc lá điếu, quần áo, giày dép, vật tư nông nghiệp.
Thường xuyên theo dõi, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm; kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường sản xuất, kinh doanh không đảm điều kiện, không phù hợp quy định an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại, hậu quả của các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác này; vận động nhân dân không tiếp tay, tích cực tham gia tố giác các trường hợp vi phạm.
Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy -Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com
PV