Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh.

Xin ông cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng?

Đại dịch Covid-19 lần này, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Trước hết, đại dịch tác động lớn tới hoạt động sản xuất, khi mà hàng loạt quốc gia phải tiến hành phong tỏa, các biện pháp cương quyết chống dịch. Nhiều thị trường đóng băng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Mặt khác, liên quan hoạt động chống dịch, chúng ta phải chi phí rất lớn. Khi nền kinh tế chững lại, vấn đề việc làm cho người lao động, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động chịu tác động mạnh. Năm 2020, kinh tế toàn cầu không những không tăng, mà còn giảm 4%. Đó là những tác động rõ rệt nhất.

Đối tượng chịu tác động mạnh và trực tiếp nhất chính là các DN, không phân biệt DNNN, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài…

Trong bối cảnh Việt Nam có tới 90% DN nhỏ và siêu nhỏ, sức chống chịu của họ trước tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn. Những DN này, tạo ra việc làm cho hàng vạn người lao động, nhiều hơn so với DNNN. Do đó, cần phải có biện pháp hỗ trợ cả 2  phía đó là người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc làm, giảm thu nhập, giảm thời gian làm việc và DN - chủ sử dụng lao động.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, có 9 triệu người lao động bị tác động và năm 2021, con số đã lên tới 34 triệu người lao động bị tác động bởi đại dịch.

Về chính sách, chúng ta ban hành từ năm 2020 đến 2021, đều hướng tới cả 2 nhóm là người lao động và chủ sử dụng lao động.

Các nước trong khu vực, họ có gói hỗ trợ trị giá hàng ngàn tỷ USD. Đối với Việt Nam, khả năng ngân sách, tiềm lực quốc gia, không thể có gói hỗ trợ lớn so với họ. Cách thức hỗ trợ ở các nước, họ dùng 1 phần trong gói hỗ trợ là tiền rót trục tiếp vào hộ dân, cá nhân, DN. Việt Nam chưa có tiền lệ tổ chức được hỗ trợ trực tiếp, chúng ta lựa chọn nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong thời gian nhất định, để họ duy trì cuộc sống, giảm bớt khó khăn.

Hỗ trợ về chính sách của Việt Nam, bao gồm cả vấn đề tín dụng cho người sử dụng lao động, hoãn thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội... Rõ ràng, giảm áp lực tài chính để họ giảm bớt gánh nặng sử dụng lực lượng lao động, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động trong bối cảnh dại dịch diễn biến phức tạp.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ... Theo ông, các giải pháp này, đến nay đã thực thi ra sao?

Có thể nói, chúng ta đã xác định rõ những đối tượng chịu tác động bởi đại dịch. Trên cơ sở đó, ra đời Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng ... Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành nghị quyết bổ sung một số điều kiện để tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng.

Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành tiếp nghị định 52, dựa trên nội dung Nghị định 41 về gia hạn thuế, tiền thuê đất, trong đó, có 3 loại thuế rất quan trọng là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, cơ bản gia hạn đến cuối 2021... Như vậy, chúng ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ khu vực DN, người lao động gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách đó, kết quả chưa được như mong muốn. Nội dung các chính sách, chủ yếu liên quan đến tín dụng, lãi suất, điều kiện tiếp cận khoản tín dụng...

Có thể thấy rằng, năm 2020, cơ bản các chính sách được thiết kế dựa trên giả định năm 2021 sẽ kiểm soát được đại dịch, tuy nhiên, thực tế đã không như vậy. Chúng ta đưa ra khá nhiều dự báo khác nhau và tình hình hiện nay rất phức tạp, nặng nề hơn. Vì vậy, những chính sách đó chỉ mang tính đối phó tạm thời.

Chẳng hạn như, các nghị định ban hành giữa tháng 4/2020, chỉ áp dụng đến tháng 11/2020, cùng lắm là cuối 2020. Nghị định 52, cũng chỉ áp dụng đến tháng 11/2021. Nhiều DN cho biết, thời gian hưởng hỗ trợ rất ngắn, do đó những khó khăn của họ vẫn còn ở phía trước, thậm chí khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đưa ra điều kiện để nhận hỗ trợ chưa sát với thực tế, hoặc chưa phù hợp, nhiều DN khó tiếp cận với gói hỗ trợ...

Tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi các giải pháp - gói hỗ trợ DN chưa phát huy tác dụng. Vây, làm thế nào để các giải pháp này mang lại hiệu quả cao nhất?

Năm 2021, nền kinh tế nhiều quốc gia, được dự báo sẽ phục hồi bởi tốc độ tiêm vắc xin chống Covid-19 gia tăng khá nhanh, nhất là tại các quốc gia phát triển. Nền kinh tế thế giới, dự báo phục hồi 5%, nhưng thực tế đã qua nửa năm 2021 rồi, trong khi diễn biến của đại dịch vẫn rất phức tạp, khó lường.

Tôi nghĩ rằng, bên cạnh biện pháp ngắn hạn, cần có biện pháp trung hạn. Bên cạnh chính sách tín dụng, thì các chính sách tài khóa cần phải tiếp tục xem xét bổ sung để hiệu quả hơn. Tránh ban hành chính sách thiếu định lượng cụ thể. Và quan trọng là sự đồng bộ của các giải pháp chính sách đó, cũng như các biện pháp triển khai thực hiện. Nghĩa là, làm sao thu hẹp khoảng cách từ khi ban hành đến khi triển khai thực hiện chính sách đó.

Khi mà đại dịch còn diễn biến vô cùng phức tạp. Khó khăn của DN và người lao động còn tiếp tục. Do đó, chúng ta nên thay đổi giả định. Theo đó, các gói hỗ trợ, cần được thiết kế theo hướng trung hạn, chứ không tạm thời - ngắn hạn theo kiểu “ăn đong” như hiện nay.

Bên cạnh chính sách tín dụng, lãi suất liên tiếp được đề xuất, chúng ta chưa đề cập đến nhóm chính sách tài khóa, không chỉ liên quan đến gia hạn thuế, gia hạn thuê đất, mà còn cần thiết xem xét biện pháp về miễn giảm các loại thuế. Đơn cử, giảm thuế suất gia trị gia tăng, sẽ có sự tác động không nhỏ đến DN trong việc giảm giá thành – đó chính là hỗ trợ DN và tạo việc làm cho người lao động.

Một giải pháp tiếp theo đó là có thể tăng NSNN, trong bối cảnh này phải chấp nhận, kéo theo đó nợ công cũng có sự tăng lên nhất định. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cân đối được ngân sách này để đảm bảo...

Với gói hỗ trợ lần 1, chúng ta xác định có 5 nhóm đối tượng: Nông lâm thủy hải sản; DN sản xuất trong một số ngành nghề chịu tác động nặng; DN, tổ chức, hộ dân, cá nhân kinh doanh; nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ; tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN gặp khó khăn. Việc phân nhóm là khá ổn, tuy nhiên, việc phân nhóm đối tượng này, chúng ta cần phải xác định rõ ràng hơn, trong đó lưu tâm nhóm DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

Cùng với đó là việc ban hành điều kiện để thực hiện gói hỗ trợ. Trong năm 2020, chúng ta đã ra nhiều điều kiện chưa sát thực. Ví hư, gói 62.000 tỷ cho vay trả lương cho người lao động, gần như không một DN nào tiếp cận được, rõ ràng có vấn đề về điều kiện. Như vậy, phải rà soát lại điều kiện, quy trình, thủ tục giấy tờ, làm sao để tạo thuận lợi nhất...

Cuối cùng là thời hạn áp dụng các chính sách. Xin nhắc lại là, năm 2020, chính sách liên quan gói hỗ trợ được ban hành vào tháng 4, chỉ áp dụng đến tháng 12; tương tự Nghị định 52 cũng chỉ áp dụng đến tháng 11/2021, thời gian như vậy là quá ngắn.

Việc áp dụng hỗ trợ người lao động bị mất việc làm mà chỉ áp dụng 3 tháng thì có lẽ là không ổn. Bởi vậy, bên rà soát lại điều kiện, thủ tục, mức độ hỗ trợ thiết thực... Điều đó, giúp DN duy trì hoạt động phục hồi để tránh tình trạng như năm 2020, hàng vạn DN đã phải tạm dừng hoạt động, giải thể, hàng triệu lao động chịu tác động...

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Hải Minh