Đòi hỏi nguồn lực kinh tế

CPTPP đã chính thức có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 14/1/2019, được đánh giá là có tác động tích cực tới Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao. Cùng với Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), đây cũng là hiệp định có mức mở cửa nhiều nhất, trong đó phạm vi dòng thuế cắt giảm lên tới 100% từ năm 2019 - 2035.

Các quy định về SHTT trong CPTPP chính là kế thừa toàn bộ chương 18, gồm 83 điều của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, CPTPP hoãn thi hành với 10 nội dung của Chương 18 về đối tượng được cấp bằng độc quyền sáng chế và thời hạn bảo hộ; về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác; bảo hộ thuốc sinh học; thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; các biện pháp bảo vệ quyền bằng công nghệ; thông tin các nội dung quản lý của quyền SHTT; bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; chế tài và khu vực an toàn…

Các nội dung tạm hoãn thực thi - đều do Mỹ đưa vào trước đây. Việc thực thi các nghĩa vụ này, đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế. Mỹ cam kết sẽ mở cửa thị trường của mình để đổi lại những cam kết về SHTT có tiêu chuẩn cao, nhưng khi Mỹ không còn là thành viên nữa thì những nghĩa vụ này đã bị tạm hoãn.

Các cam kết trong Chương 18, bao gồm 3 nhóm: Nhóm cam kết chung liệt kê các công ước về SHTT mà các thành viên phải tham gia và những nguyên tắc chung như đối xử quốc gia, minh bạch, hợp tác giữa các nước trong bảo vệ quyền SHTT (từ Điều 18.1 đến Điều 18.17); Nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với nhãn hiệu, tên quốc gia, chỉ dẫn địa lý, sáng chế và dữ liệu bí mật hoặc các dữ liệu khác (bao gồm sáng chế nói chung, dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm, dược phẩm), kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, bí mật thương mại (từ Điều 18.18 đến Điều 18.70, Điều 18.78); Nhóm các cam kết liên quan tới việc thực thi các quyền SHTT (từ Điều 18.71 đến Điều 18.81).

Cơ chế thực thi hà khắc

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trưởng Bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương) cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải gia nhập các công ước quốc tế về SHTT được liệt kê trong CPTPP như nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế, Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu, Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng, Hiệp ước của Tổ chức SHTT thế giới về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của Tổ chức SHTT thế giới về buổi biểu diễn và bản ghi âm (WPPT)…

Trong số các điều ước quốc tế này, Việt Nam chưa tham gia Hiệp ước Budapest WCT và WPPT. Việt Nam có 2 năm để gia nhập Hiệp ước Budapest và 3 năm để gia nhập WCT và WPPT kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, nghĩa là muộn nhất đến ngày 30/12/2021, Việt Nam đã phải là thành viên của cả 3 điều ước nói trên. Đây là 3 điều ước quốc tế liên quan đến việc thiết lập các chế độ bảo hộ quốc tế, hỗ trợ đăng ký quốc tế.

Khó khăn nữa, theo bà Ngọc đó là những thách thức từ các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền SHTT. Theo đó, CPTPP đặt ra tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn đối với các đối tượng của quyền SHTT so với pháp luật Việt Nam. Tất yếu dẫn đến thách thức phải sửa đổi nội dung luật. Đơn cử như việc, quy định điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, ngoài các yếu tố về chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi.

Tiêu chuẩn cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ của CPTPP: Thách thức không nhỏ - Hình 1

Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức từ các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền SHTT

Việt Nam có 3 năm (muộn nhất là 30/12/2021) phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu dưới hình thức âm thanh. Hay như những tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam cũng phải sửa đổi để đảm bảo tính tương thích. Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi căn bản toàn bộ cơ chế đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và sẽ là thách thức đối với Cục SHTT Việt Nam.

Tiêu chuẩn bảo hộ cao trong CPTPP không chỉ dẫn đến khối lượng công việc phải thực hiện để thay đổi luật nội dung, mà còn kéo theo những khó khăn trong quá trình tuân thủ và thực thi sau này. Đây được xem là một thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam khi tiêu chuẩn bảo hộ cao tất yếu dẫn đến sự phát triển dựa vào tài sản trí tuệ sẽ càng trở nên đắt đỏ. Những cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cao như vậy, đặt các DN Việt Nam trước những thách thức rất lớn về việc tuân thủ những quy định mới do thiếu về nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này, cũng như gánh nặng chi phí của việc tuân thủ.

Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức từ các quy định thực thi quyền SHTT một cách nghiêm ngặt khi CPTPP xây dựng một cơ chế thực thi quyền SHTT chặt chẽ với sự kết hợp của các chế tài hành chính, dân sự và đặc biệt là hình sự…

Xây dựng chiến lược, giải pháp

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc đánh giá, cơ chế thực thi phải nói là hà khắc - đặt Chính phủ Việt Nam vào áp lực vượt qua các thách thức sửa đổi luật nội dung liên quan đến thực thi nói trên, cũng như chuẩn bị nhân lực, vật lực để viêc thực thi có hiệu quả theo yêu cầu của CPTPP trong thời gian tối đa 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với DN, gánh nặng về thủ tục kiểm soát, nhất là các thủ tục tranh chấp, kiện tụng là không thể tránh khỏi.

Theo bà Ngọc, SHTT là xương sống của một nền kinh tế tri thức trong tương lai. Đây cũng là nội dung đàm phán khó khăn trong CPTPP. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ thống pháp luật về SHTT khá đồng bộ và tiên tiến, thậm chí còn có nhiều điểm tiến bộ so với pháp luật của các nước trong khu vực, nhưng phải ý thức được rằng, CPTPP còn đòi hỏi cao hơn thế. Sửa đổi pháp luật về SHTT cho tương thích với nội dung của hiệp định trong khoảng thời gian theo quy định là thách thức đầu tiên nhà nước phải vượt qua.

Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, DN không chủ động và linh hoạt tìm hiểu về cơ hội, mức thuế cũng như cách để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sản phẩm của mình đến các thị trường. Rất ít DN tự liên hệ để hỏi thông tin nhằm tìm hiểu thị trường xuất khẩu và ưu đãi cho sản phẩm của mình. Khi tiếp cận thị trường gần nửa tỷ dân của CPTPP, DN Việt Nam đứng trước nguy cơ đối mặt với các vụ khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí là bị áp dụng các chế tài do xâm phạm quyền SHTT.

“Xây dựng, củng cố bộ máy cả về chất lượng chuyên môn và số lượng là điều tất yếu phải thực hiện song song với quá trình cải cách luật pháp nói trên. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho DN và xã hội về CPTPP nói chung và các thách thức trong SHTT nói riêng là phương án giúp giảm bớt áp lực của các thử thách nói trên”, bà Ngọc nói.

Về phía DN, bà Ngọc cho rằng, việc chủ động nắm bắt các cơ hội từ CPTPP là điều cần thiết nếu DN muốn tận dụng những lợi thế của Việt Nam. Hiểu rõ thách thức và có chiến lược, giải pháp vượt qua các thách thức là con đường phát triển tối ưu với DN hiện nay.

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc: "Tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay diễn ra rất phổ biến trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực máy tính. Khi các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT cao hơn, chắc chắn tình trạng xâm phạm sẽ trầm trọng hơn. Điều này dẫn tới thách thức rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong việc phát hiện, xử lý, giải quyết kịch bản này".

Cao Huyền - Hưng Khánh