Trong Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 -2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đồng thời, “Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn nữa - Hình 1

Mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đặt mục tiêu: “Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia”.

Về phía doanh nghiệp, một trong những trở ngại của doanh nghiệp khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia là chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang phương thức điện tử. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp phải chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc chuẩn bị hồ sơ, sử dụng phương thức điện tử trong giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, sự tích cực, chủ động và chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin một cửa có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn nữa - Hình 2

Tỷ lệ thủ tục triển khai một cửa quốc gia của các bộ, ngành tính đến 15/7/2018. Biểu đồ: T.Bình

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ), một số doanh nghiệp vẫn còn chưa thích ứng kịp và chưa tham gia thực hiện các thủ tục bằng phương thức điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thực hiện song song thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và theo phương thức thủ công (hồ sơ bản giấy). Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy nhanh việc rà soát, thống nhất thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và thực hiện thí điểm thuê dịch vụ trong cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn nữa - Hình 3

Số lượng thủ tục kết nối đến 15/7/2018 và mục tiêu đặt ra từ nay đến hết năm 2018 của các bộ, ngành. Biểu đồ: T.Bình

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; toàn bộ các cơ quan Chính phủ có liên quan được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia…

Mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính; tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa; đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu mục tiêu đến hết năm 2018 là: Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai mới 130 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ và phấn đấu đạt 143 thủ tục hành chính theo kết quả rà soát và cam kết mới nhất của các bộ, ngành (con số gần gấp 3 lần thủ tục đã thực hiện).

“Trong số này, dù một số bộ, ngành đã tích cực triển khai nhưng để đạt mục tiêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi các đơn vị phải hết sức nỗ lực. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng, nếu bộ, ngành nào làm chậm, thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã lưu ý các đơn vị.

Hội nghị nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, với “mẫu số chung” là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Bảo Ngọc