Những kết quả ấn tượng
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, các DN gặp nhiều khó khăn khi sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 (IIP) ước tăng 4,5% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, tiếp tục là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa XK thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Hầu hết, các mặt hàng XK vẫn giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại, hạt điều, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ gỗ và sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may.
Theo thống kê của Cục Hải quan Bình Dương, tính đến ngày 15/11/2021, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh đạt 51,394 tỷ USD, tăng 16,21 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch XK đạt 29,088 tỷ USD, tăng gần 15%.
Các mặt hàng XK chủ yếu là sản phẩm gỗ, sản phẩm may mặc, sắt thép, sản phẩm điện tử.
Trong đó, năm 2021, hàng hóa Bình Dương XK chủ yếu vẫn ở các thị trường truyền thống: Mỹ chiếm 34,6%; Hàn Quốc 11,2%; EU 9,7%; Nhật Bản 8,8%; Đài Loan 7,5%... Kim ngạch XK ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ (năm 2020 tăng 8,5%). Những kết quả này sẽ khích lệ, tạo động lực phát triển cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tính đến ngày 15/11/2021, tỉnh Bình Dương thu hút đầu tư trong nước đạt 72.456 tỷ đồng (tăng 8,3%); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD (vượt 14,9% kế hoạch năm); tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, bằng 96% so với năm 2020, đạt 104% dự toán; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng, đạt 124% dự toán…
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế của Bình Dương hồi phục tốt sau thời gian cao điểm dịch bệnh là nhờ chuyển động nhanh, thích ứng linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”. Ngay trong tháng 07/2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, tỉnh đã nâng cao chất lượng điều hành, tổ chức đối thoại, hình thành Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ DN để tư vấn hiệu quả nhất, tạo thuận lợi cho DN SXKD.
Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Nhờ những biện pháp tích cực, quyết liệt, linh hoạt của tỉnh, trong gần 02 tháng qua, tình hình KT-XH của tỉnh đã khởi sắc trở lại. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu phát triển của tỉnh vẫn được duy trì, bảo đảm theo kịch bản tăng trưởng. Đó là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng DN”.
“Chìa khóa” khôi phục tăng trưởng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống KT-XH, để hoàn thành tốt nhất mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Trong đó, tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc đối thoại để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư. Từ đó, tìm cách tháo gỡ kịp thời, tạo sức mạnh tổng hợp, khơi thông nhiều nguồn lực, từng bước giúp hoạt động kinh tế dần khởi sắc.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn bình thường mới, Sở tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư; tổ chức nắm bắt xu hướng sản xuất, kinh doanh năm 2022 tại các hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn tỉnh. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 8,9%.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển SXKD. Cùng với nỗ lực của DN trong việc khôi phục sản xuất, hoạt động SXKD tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho hay: “Để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn và thực hiện các biện pháp hỗ trợ tích cực cho DN trong hoạt động XNK, Cục Hải quan tỉnh theo dõi sát tình hình hoạt động và số thu nộp ngân sách của các DN; hỗ trợ DN thông quan nhanh hàng hóa, hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để tái đầu tư vào hoạt động SXKD. Cục Hải quan tỉnh còn tổ chức nhiều buổi đối thoại gặp gỡ, làm việc với DN trên địa bàn”.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 4.500 DN sản xuất đăng ký hoạt động theo các mô hình như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh” và “3 tại chỗ linh hoạt”, với hơn 700.000 lao động; 96% DN trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng; theo dõi tình hình lao động khi DN trở lại hoạt động sản xuất.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc kiểm soát tốt dịch bệnh chính là “chìa khóa” khôi phục đà tăng trưởng. Để giữ gìn, phát huy thành quả, vấn đề căn bản nhất hiện nay là phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển SXKD. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, cách làm sáng tạo để khôi phục và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt.
Phong Vân