Các lập luận của UBND xã bị “bẻ gãy” tại toà...
Đây là vụ tranh chấp đầu tiên giữa hộ kinh doanh nước sinh hoạt (trong số hơn chục hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang kinh doanh nước sạch tại khu vực nông thôn đã và đang có nguy cơ tranh chấp với chính quyền địa phương và Công ty CP Cấp nước Hải Phòng), được Toà án thụ lý, giải quyết.
Vì thế, vụ việc thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, chính quyền các xã, huyện, đông đảo người dân và cả Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng. Bên cạnh đó, Ban Nội chính Hải Phòng còn quan tâm về việc năm 2009, lãnh đạo và cán bộ UBND xã Du Lễ ký vay của ông Tiến 100 triệu đồng, có dấu hiệu vay để chia nhau.
Tám năm sau, khi ông Tiến có đơn tố cáo, đòi tiền, gửi các cơn quan chức năng, thì UBND xã lại “quy” cho 4 cán bộ, trong đó có ông Kiên - hiện nay là Phó chủ tịch UBND xã phải trả nợ cho ông Tiến. Đây là điều bất bình thường, không minh bạch, đã được Thương hiệu & Công luận và một số báo phản ánh, nhưng đến nay chưa cơ quan nào làm rõ, trả lời dư luận về việc vay, hạch toán - "khoác" nợ từ UBND xã sang các cá nhân này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thế - một trong các nhân chứng trả lời HĐXX (Ảnh: PV)
Vì vậy, tại phiên toà, Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng đã cử 2 cán bộ về theo dõi diễn biến phiên toà.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, UBND xã Du Lễ (bị đơn) đã thuê 2 luật sư là Nguyễn Văn Cải (nguyên Chánh án TAND quận Đồ Sơn) và Nguyễn Văn Lánh (nguyên Chánh án TAND huyện Kiến Thuỵ) tham gia bảo vệ thân chủ.
Toà án đã cho triệu tập 7 nhân chứng tham gia vụ án.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX và những người tham gia tố tụng khác, ông Nguyễn Xuân Hạnh, đại diện theo ủy quyền cho rằng: “Khi nhậm chức Chủ tịch UBND xã (năm 2013), đến năm 2018, ông không được bàn giao Hợp đồng số 02, không biết các điều khoản trong hợp đồng này như thế nào? Gần gây, Toà án cho chụp tài liệu mới biết. Việc ông Hạnh ký cho Công ty CPCNHP vào đầu tư kinh doanh song song trong “vùng cấp nước” của hộ Nguyễn Đình Tiến là do “yêu cầu của nhân dân xã" và do chấp hành các “mệnh lệnh hành chính” của UBND huyện Kiến Thuỵ".
Ông Nguyễn Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Du Lễ - bị đơn tại phiên toà (Ảnh: Gia Tiệp)
Hai luật sư của ông Hạnh, ông Kiên (Phó chủ tịch UBND xã) đưa ra quan điểm pháp lý, cho rằng: “Hợp đồng số 02 (HĐ 02) năm 2009 là vô hiệu, do vi phạm pháp luật. Vì trong hợp đồng này, tại phần “căn cứ pháp luật để ký hợp đồng”, các bên đã viện dẫn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 và Nghị định 17/HĐBT năm 1990… là những văn bản đã hết hiệu lực pháp luật.
Nội dung HĐ 02: không đưa các điều khoản chế tài (phạt) vào, nên không có cơ sở để đòi bồi thường giá trị tài sản ông Tiến đã đầu tư, phạt bồi thường ngoài hợp đồng; HĐ 02 này thực chất là thuê khoán tài sản (nhà nước đã đầu tư cho ông Tiến trạm bơm, máy bơm; UBND xã đã cấp 1222m2 đất 5% cho ông Tiến làm nhà điều hành, bể lắng, bể lọc…), nhưng chỉ thấy ông Tiến được hưởng lợi, mà UBND xã không được hưởng lợi nhuận gì, là không hợp lý.
Vì vậy, 2 vị luật sư cùng ông Hạnh, ông Kiên đề nghị HĐXX tuyên xử HĐ 02 là vô hiệu và yêu cầu ông Tiến phải trả UBND xã các khoản phí cho thuê khoán 1222m2 đất và cho thuê khoán tài sản là máy bơm, trạm bơm trong vòng 10 năm qua. Hai vị luật sư này còn cho rằng “việc kinh doanh nước sinh hoạt này phải được cạnh tranh như những hàng hoá khác, vì vậy HĐXX phải áp dụng Luật cạnh tranh để phân xử mới đúng pháp luật…”.
Tại phiên toà, Luật sư Nguyễn Quang Chiến, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho ông Tiến đã viện dẫn các bút lục có trong hồ sơ vụ án, các quy định của pháp luật liên quan để chứng minh: ông Hạnh, ông Kiên khai báo gian dối với HĐXX; việc lãnh đạo xã Du Lễ chỉ biết nhận phản ánh của các hộ dân về chất lượng nước, áp lực nước của ông Tiến không đảm bảo, trong khi không phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm định để giải quyết dứt điểm đơn thư, là không làm theo pháp luật; UBND xã Du Lễ không tiến hành thanh lý HĐ 02 với ông Tiến, mặc nhiên ký Thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty CPCN HP là có biểu hiện “lợi ích nhóm”, vi phạm Nghị định 117, 124 của Chính phủ; vi phạm Chỉ thị số 35 của Thủ tướng chính phủ và Công văn số 317 của UBND TP Hải Phòng.
ông Nguyễn Đình Tiến trả lời các câu hỏi của HĐXX (Ảnh: Gia Tiệp)
Việc các luật sư cho rằng HĐ số 02 vô hiệu, do vi phạm điều cấm của pháp luật là không đúng. Vì, những căn cứ này không phải điều khoản chính, không ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐ 02. Khi thực hiện, nếu 1 trong 2 bên phát hiện ra, thì có thể ký thêm Phục lục HĐ để cải sửa bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, là HĐ 02 vẫn được các bên thực hiện tốt, nếu không có việc ông Hạnh ký cho Công ty CPCN HP vào tranh giành “Vùng cấp nước” của ông Tiến.
Việc UBND xã giao 1222m2 đất cho ông Tiến để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, phục vụ công ích cho địa phương, chứ không phải giao đất cho ông Tiến kinh doanh nhà hàng hay để ở… là căn cứ Điều 6 Nghị định 117 và 124 của Chính phủ thì “Đơn vị cấp nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với công trình cấp nước...”
Quy định mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện
Tại Khoản 1, Điều 32 NĐ 117/NĐ-CP đã quy định rõ về “Vùng phục vụ cấp nước”. “Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước”.
Tại Khoảng 2, Điều 29 NĐ 117 ghi rõ“đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước, thì tổ chức, cá nhân đó được chỉ định là đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước;”
Công ty CPCN HP nắm rất rõ các quy định của pháp luật về kinh doanh nước sạch. Tuy nhiên, khi thực hiện dịch vụ cấp nước tại địa bàn xã Du Lễ, mặc dù đã biết là “Vùng cấp nước” tại xã Du Lễ đang có hộ kinh doanh của ông Tiến phục vụ kín 6 thôn trên địa bàn, nhưng Cty CPCN HP vẫn làm ngơ, cố tình ký Thoả thuận dịch vụ cấp nước với UBND xã Du Lễ để vào cạnh tranh song song 2 đơn vị cùng cấp nước trên 1 “vùng cấp nước” là vi phạm pháp luật.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tại phiên toà (Ảnh: Gia Tiệp)
Nhưng, tại phiên toà, Ông Trịnh Anh Tuấn, ông Võ Quốc Thắng, đại diện Công ty CPCN Hải Phòng vẫn cho rằng “cứ có đơn của nhân dân, có đề nghị của chính quyền xã; trong khi Hộ kinh doanh cấp nước của ông Tiến, tuy chất lượng nước đạt tiêu chuẩn 01, nhưng chỉ là tiêu chuẩn của 15 tiêu chí, thì Công ty CPCN HP vẫn được vào cấp nước song song và thực hiện đúng các quy định của Nghị định 117 và 124 của Chính phủ…”
Tuy nhiên, khi bị luật sư Chiến truy vấn “đề nghị ông chỉ rõ là tại Khoản nào, Điều nào của NĐ 117 và 124 của Chính phủ quy định như vậy?”, thì các ông này chỉ nói “vòng vo”!
Qua đây có thể thấy, Công ty CPCN Hải Phòng đã vi phạm Nghị định 117, 124 của Chính phủ, Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 317 của UBND TP Hải Phòng. Hậu quả đã làm cho hộ kinh doanh ông Tiến bị mất dần thị phần và phải đóng cửa, gây ra nhiều tổn thất về tài sản từ năm 2016 đến nay.
Toà tuyên bản án “ưu ái” cho 2 pháp nhân?
Căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên toà, HĐXX Toà án huyện Kiến Thuỵ xác định các lập luận pháp lý và đề nghị của 2 vị luật sư bảo vệ cho ông Hạnh, ông Kiên không có cơ sở để chấp nhận. Toà chấp nhận các luận điểm bảo vệ của Luật sư nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của ông Tiến.
Toà đã xác định lỗi và phát sinh trách nhiệm bồi thường: UBND xã Du Lễ từ khi ký HĐ 02 đến khi phát sinh tranh chấp, đã không thực hiện ký bổ sung Phụ lục hợp đồng để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Dẫn đến có nhiều ý kiến, đơn thư của các hộ dân về chất lượng nước, áp lực nước của ông Tiến cung cấp không đảm bảo.
Thẩm phán Nguyễn Đức Hoàng tuyên đọc Bản án sơ thẩm (Ảnh: Gia Tiệp)
UBND xã Du Lễ đã không mời ông Tiến và các hộ dân đến làm việc bằng văn bản để giải quyết; không có văn bản yêu cầu ông Tiến cam kết thực hiện đúng HĐ 02 về chất lượng nước, áp lực nước; không chủ động phối hợp với các cơ quan kiểm định và các hộ dân kiểm định chất lượng nước của ông Tiến cung cấp có đảm bảo vệ sinh hay không?; không thực hiện sự chỉ đạo tại các văn bản của UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Kiến Thuỵ và thực hiện các quy định của pháp luật, dẫn đến chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp, kiến nghị của các hộ dân; UBND xã chưa tiến hành thanh lý HĐ 02, đã ký Thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty CPCN HP ngày 3/7/2016 dẫn đến việc tồn tại song song 2 hệ thống cấp nước trên cùng 1 địa bàn, là vi phạm NĐ 117, 124 của Chính phủ và văn bản hợp nhất 2 Nghị định này; vi phạm Điểm a, Khoảng 1 Chị thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm điểm 1 Công văn số 317 của UBND TP Hải Phòng. Do đó UBND xã Du Lễ có lỗi trong việc cùng Công ty CPCN HP gây ra thiệt hại theo HĐ 02 đã ký với ông Tiến.
Xác định lỗi của ông Tiến. Toà án cho rằng “Từ khi ký HĐ 02, ông Tiến đã tiến hành đầu tư các hạng mục công trình cấp nước, nhưng không cung cấp được hồ sơ thiết kế; không cung cấp được các hợp đồng mua bán vật tư hệ thống cấp nước; không ký HĐ với các hộ dân; không có kế toán ghi chép các khoảng thu chi phát sinh. Khi có đơn phản ánh của các hộ dân, ông Tiến không chủ động cùng UBND xã và các hộ dân giải quyết bằng văn bản; không đầu tư nâng cấp chất lượng nước và áp lực nước vào giờ cao điểm. Khi có Công ty CPCN HP vào khảo sát đầu tư, UBND xã đã mời ông Tiến đến bàn bạc, nhưng không thoả thuận được. Ông Tiến không làm việc cụ thể với UBND xã về HĐ 02, trước khi UBND xã ký cho Công ty CPCN HP vào cấp nước trên địa bàn vào ngày 3/7/2016… nên có lỗi là phần lớn”.
Đối với Công ty CPCN HP, trước khi vào đầu tư đã được UBND xã mời đến cùng ông Tiến bàn bạc, đã biết rõ trên địa bàn xã có ông Tiến đang kinh doanh dịch vụ cấp nước, nhưng vẫn cùng UBND xã ký Thoả thuận dịch vụ cấp nước, đầu tư hệ thống cấp nước song song với ông Tiến, nên đã có lỗi gây ra thiệt hại cho ông Tiến. Do đó, UBND xã Du Lễ và Công ty CPCN HP phải liên đới bồi thường thiệt hại cho ông Tiến.
Đối với phần thiệt hại giá trị các công trình đầu tư còn lại là 1.355.947.000 đồng, chiểu theo HĐ 02, Toà án xác định “ông Tiến có lỗi 70% và UBND xã 30%”. Đối với phần thiệt hại theo HĐ và theo pháp luật là 232.391.000 đồng, Toà án xác định “lỗi của UBND xã, cùng Công ty CPCN HP là 70% và lỗi của ông Tiến là 30%”.
HĐXX cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Tiến, tuyên: “UBND xã Du Lễ phải bồi thường các khoản thiệt hại cho ông Tiến là 488.120.950 đồng. Công ty CPCN HP phải bồi thường 81.336.850 đồng cho ông tiến…”
Theo Luật sư Nguyễn Quang Chiến cho biết: Việc Toà viện dẫn và xác định lỗi của ông Tiến 70% là hành vi “chụp mũ” cho ông Tiến. Vì, ông Tiến là hộ kinh doanh cá thể không thể có hồ sơ đầu tư bài bản như doanh nghiệp. Từ khi phát hiện ra Công ty CPCN HP có nguy cơ chiếm “vùng cấp nước”, ngày 15/6/2016, chính tôi đại diện cho ông Tiến đã có Biên bản làm việc với ông Hạnh – Chủ tịch xã, để cảnh báo ông Tiến sẽ khởi kiện, nếu UBND xã vi phạm HĐ 02. Ông Hạnh tuyên bố, ký hay không là quyền tôi. Nếu kiện thì theo phán quyết của Toà…”. Ngày 21/6/2016, ông Tiến và tôi đã được UBND xã mời đến Hội nghị giải quyết Đơn tố cáo về việc UBND xã “vay xấu” 100 triệu đồng của ông Tiến từ năm 2009 không trả, việc vi phạm HĐ 02”.
Tại hội nghị này, các cán bộ lãnh đạo Đảng uỷ và UBND xã chủ yếu khất nợ và vận động ông Tiến rút đơn tố cáo, không tổ chức giải quyết tranh chấp HĐ 02. Thậm chí vài ngày sao đó ông Tiến đã có Thông báo nói là sẽ cắt nước cấp cho 6 thôn, nếu UBND xã không giải quyết tranh chấp HĐ 02… Nhưng UBND xã này vẫn không giải quyết tranh chấp HĐ 02, cố tình ký Thoả thuận cho Công ty CPCN HP vào tranh “vùng cấp nước” của ông tiến vào ngày 3/7/2016. Việc các hộ dân phản ánh chất lượng nước, áp lực nước của ông Tiến không đảm bảo, nhưng không đưa ra chứng cứ cụ thể. Trong khi 5 Phiếu kiểm định chất lượng nước của ông Tiến năm 2016 và đầu năm 2017 do Trung tâm y tế dự phòng kiểm định đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch 01/2009/BYT của Bộ y tế, thì làm sao “ông Tiến phải chủ động khắc phục chất lượng nước và dịch vụ cấp nước của mình đang cấp...” như biện luận của Thẩm phán.
Như vậy, phần lớn lỗi vi phạm ở đây là UBND xã Du Lễ và Công ty CPCN HP, sao lại “chụp mũ” cho ông Tiến có lỗi tới 70%, UBND xã chỉ có lỗi 30%.
Là một người dân ở xa về xã đầu tư, ông Tiến đã chủ động gặp UBND xã đề nghị giải quyết tranh chấp HĐ 02, nhưng UBND xã đã phớt lờ, chỉ quan tâm đến xin ông Tiến không đòi số tiền cho vay 100 triệu đồng và vận động ủng hộ địa phương. Ông Tiến không thể chủ động gặp toàn thể các hộ dân có đơn kiến nghị, vì ông Tiến có nhận được đơn nào của dân đâu?. Công ty CPCN HP cần vào “vùng cấp nước” của ông Tiến, thì họ phải chủ động gặp ông Tiến và UBND xã để bàn bạc, chứ sao lại “quy” cho ông Tiến không chủ động gặp họ… Việc “bắt lỗi” của HĐXX sơ thẩm kiểu này là không công bằng với ông Tiến, ưu ái cho UBND xã và Công ty CPCN HP, không khách quan, thiếu thuyết phục!”
Gia Tiệp