Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 toàn cầu vượt ngưỡng 2.700.000 người và trên 190.000 ca tử vong. Nhiều nước đang thận trọng xem xét nới lỏng phong tỏa, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu đã thông qua các gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng trăm tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.710.294 trường hợp, trong đó có 190.110 người tử vong.
Theo Bộ Y tế, tính đến 6h sáng 24/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19, tổng số ca mắc vẫn giữ nguyên 268. Hiện đã có 224 trường hợp chữa khỏi bệnh. Hiện còn 44 ca đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, trong đó có 12 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8.
Tại châu Á, Bệnh viện Đại học Keio Nhật Bản cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng nước này, sau khi kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với bệnh nhân đến bệnh viện này khám chữa bệnh cho thấy có tới 6% dương tính với virus.
Du thuyền Ý Costa Atlantica đang được sửa chữa ở Nhật Bản hiện có hơn 600 thành viên thủy thủ đoàn (không có hành khách) và trong số 127 người đã được xét nghiệm, 48 người (chiếm 38%) nhiễm SARS-Cov-2, Reuters đưa tin ngày 23/4. Du thuyền Ý thành ổ dịch COVID-19, Nhật Bản lo lắng
Tính tới sáng 24/4, Hàn Quốc ghi nhận 10.702 ca COVID-19 và 240 ca tử vong. Tại Hàn Quốc, Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, kể từ thời điểm chính phủ nước này áp dụng biện pháp "tự cách ly bắt buộc" 14 ngày tại nhà với toàn bộ người nhập cảnh từ ngày 1/4 vừa qua, chưa xuất hiện ca nhiễm chéo nào từ người bệnh (phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh) được ghi nhận. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang làm tốt công tác phòng dịch ngay từ khâu nhập cảnh.
Trong vòng 24h qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm.
Tính tới nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 82.798 ca mắc COVID-19 và 4.632 bệnh nhân tử vong. Hiện còn 939 bệnh nhân đang được điều trị. Ngoài ra có 8.429 người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi y tế.
Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất thế giới với 1.992 trường hợp. Cụ thể, Mỹ tiếp tục bỏ xa các nước khác về cả số ca bệnh lẫn số ca tử vong. Các điểm nóng COVID-19 tiếp theo sau Mỹ gồm có Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh và Đức.
Tại Mỹ, trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận 2.078 ca tử vong và 29.289 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số người tử vong và mắc COVID-19 tại Mỹ lên lần lượt là 49.737 và 878.006.
Cơ quan y tế thị trấn Ortisei ở phía Bắc Italy (gần biên giới với Áo) mới đây đã tiến hành xét nghiệm kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19. Theo bác sỹ Simon Kostner, 49% trong số 456 người được xét nghiệm đã có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Đây có thể là kết quả đến từ việc miễn dịch cộng đồng ở thị trấn với gần 5.000 người dân này.
Cho đến nay, Italy đã ghi nhận gần 190.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có hơn 25.500 người tử vong.
Với 4.774 trường hợp, Nga là nước châu Âu ghi nhận số ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất châu Âu. Trong khi tình hình dịch bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ diễn biến xấu đi, khi nước này ghi nhân số ca bệnh mới trong ngày lên tới 3.116, nâng tổng số lên 101.790 ca.
Trong ngày 23/4, Pháp ghi nhận thêm 516 ca tử vong liên quan dịch Covid-19 trong vòng 24 giờ. Tổng số ca tử vong đã là 21.856. Số lượng bệnh nhân trong hệ thống bệnh viện tiếp tục giảm nhẹ, còn hơn 29.000 người. Trong khi đó, số ca bệnh nặng cũng tiếp tục xu hướng giảm trong ngày thứ 15 liên tiếp, hiện còn hơn 5.000 ca.
Theo Phủ Tổng thống Pháp, việc tổ chức cho học sinh từ cấp nhà trẻ đến trung học phổ thông đi học trở lại sau ngày 11/5 sẽ được triển khai trên tinh thần tự nguyện. Phụ huynh học sinh sẽ là người quyết định có cho con em mình đến trường hay không.
Tại Anh, mặc dù cơ quan y tế nước này chưa thống kê số ca tử vong vì Covid-19 tại các trung tâm dưỡng lão và tại nhà riêng nhưng theo tính toán của Care England, tổ chức chăm sóc người già lớn nhất nước này, đã có ít nhất 7500 người già tại Anh đã thiệt mạng trong các nhà dưỡng lão, tức chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân Covid-19 tại Anh.
Đức tới nay đã ghi nhận 151.784 ca mắc COVID-19 và 5.404 trường hợp tử vong. Thủ tướng Angela Merkel ngày 23/4 cho biết Chính phủ liên bang Đức và các tiểu bang có thể sẽ không đưa ra quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trước ngày 6/5.Hơn 2,7 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bùng phát thành một điểm nóng mới. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 23/4 cho hay số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 101.790 trường hợp.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện thêm 3.116 ca nhiễm mới và 115 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Như vậy, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên đến 2.491 người.
Để ngăn chặn bi kịch này, WHO kêu gọi các nước châu Âu phải khẩn cấp thay đổi cách thức hoạt động của các nhà dưỡng lão, đồng thời trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế cho các nhân viên làm việc tại đây.
Tới nay, Tây Ban Nha có 213.024 ca mắc COVID-19 và 25.549, tăng 464 trường hợp so với 1 ngày trước. Ngày 23/4, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Pablo Iglesias thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà họ.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế tại khu vực châu Âu ngày 23/04 lên tiếng cảnh báo châu lục đang chứng kiến một bi kịch nhân đạo không thể tưởng tượng nổi trong các nhà dưỡng lão, khi số người chết tại đây chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại một số nước châu Âu.
Theo ông Kluge, tại một số nước châu Âu, số người thiệt mạng vì Covid-19 trong các nhà dưỡng lão chiếm đến một nửa trong tổng số ca tử vong và đó là một “bi kịch nhân đạo không thể tưởng tượng nổi”.
Tại CH Ireland, con số thống kê tính đến ngày 13/04 cho thấy, 55,2% số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này là trong các nhà dưỡng lão.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định phần lớn các nước vẫn ở giai đoạn đầu ứng phó dịch. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút đánh giá dịch bệnh đang thuyên giảm ổn định tại các quốc gia Tây Âu, nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như Đông Âu. WHO kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đóng băng quỹ tài trợ cho tổ chức này.
Trang Nguyễn