Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và dịch Covid-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 2/2021 làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% và tăng 10,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% và giảm 0,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 915 tỷ đồng, giảm 40,8% và giảm 60,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,6% và tăng 2,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 722,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 88,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán nên hoạt động ăn uống, du lịch nghỉ dưỡng của người dân giảm, đồng thời để phòng chống dịch bệnh nhiều địa phương trong cả nước đã hủy các lễ hội truyền thống đầu năm.

Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 62,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Hải Phòng giảm 18,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 41,5%; Hà Nội giảm 47,7%; Đà Nẵng giảm 67,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 69,2%; Thừa Thiên - Huế giảm 73,3%; Hải Dương giảm 89,4%.

Doanh thu dịch vụ khác 2 tháng đầu năm ước tính đạt 91,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu của Hải Phòng tăng 14,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,6%; Thanh Hóa tăng 6,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,5%; Hà Nội giảm 1,5%; Đà Nẵng giảm 3,3%; Bắc Ninh giảm 4,6%.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (số 28/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Theo đó, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo hoặc báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ như: Công điện số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2021 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19, Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 02 năm 2021 về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản và Báo cáo số 901/BCT-TTTN ngày 21 tháng 02 năm 2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19.

Bộ Công Thương làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16 tháng 02 năm 2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market, Tập đoàn Masan… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương. Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương để tiêu thụ trong hệ thống. MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18 tháng 2 năm 2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn. Đến nay, công tác lưu thông hàng hóa cơ bản đã không còn bị ách tắc.

Tại các địa phương khác, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương (tại Công văn số 1648/BCT-TTTN ngày 09 tháng 3 năm 2020 bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid-19 và Công văn số 1998/BCT-TTTN ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc báo cáo phương án cung ứng hàng hóa nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19). Đồng thời, các địa phương vẫn luôn chú trọng đến nguồn cung các hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Do đó, theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Minh Anh