Theo Đề án mà Sở Nội vụ xây dựng, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP HCM). Giai đoạn 2025-2030 sẽ chuyển 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP HCM).
Các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của TP HCM để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ. Sở Nội vụ đánh giá trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc, đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.
Việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TP.HCM), chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.
Yêu cầu được đặt ra khi thành lập đơn vi hành chính quận (hoặc TP thuộc TP HCM) phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội đại biểu TP lần thứ XI thông qua; đảm bảo trình tự và thủ tục đúng quy định.
Qua đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30, riêng huyện Cần Giờ đạt 19/30, chưa đạt 50% dân số theo quy định.
Cụ thể, huyện Hóc Môn có diện tích hơn 109 km2, dân số 462.824 người; đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Huyện Bình Chánh có diện tích hơn 252 km2, dân số 711,262 người, đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Huyện Nhà Bè có diện tích là hơn 100 km2, dân số 207.766 người, đạt 5/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Huyện Củ Chi có diện tích hơn 434 km2, dân số 468.269 người, đạt 4/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 16/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Huyện Cần Giờ có diện tích hơn 704 km2, dân số 73.278 người, đạt 3/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 15/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại.
Nguyễn Tùng