Theo số liệu từ Sở Xây dựng, trong 10 năm (từ 2006-2017), TP. HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án.

Đến nay, TP. HCM đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35% chưa sử dụng, Nhà nước đang quản lý.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xử lý quỹ nhà hơn 5.600 căn hộ dôi dư thuộc dự án 12.500 căn hộ tái định cư tại KĐTMTT không còn nhu cầu sử dụng để tái định cư cho KĐTMTT, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. HCM giao Tổ công tác đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư trong KĐTMTT thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP tại Thông báo 904/2017 của Văn phòng UBND TP về tổ chức thực hiện việc công khai trên báo chí kết quả thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong KĐTMTT; báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Thành ủy và UBND TP. HCM biết.

Sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ về khu đất 160ha tái định cư thuộc KĐTMTT (theo Quyết định 367/1996 của Thủ tướng Chính phủ), giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với sở - ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND TP điều chỉnh quy hoạch các khu tái định cư theo quy định, đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng cập nhật vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP về điều chỉnh, chuyển đổi quỹ nhà tái định cư nêu trên thành nhà ở thương mại, thẩm định, trình duyệt theo quy định và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường xác định lại, trình duyệt giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của quỹ nhà 3.790 căn hộ để làm cơ sở tổ chức đấu giá lần 2 theo quy định.

Về phương án giải quyết quỹ nhà 1.836 căn hộ thuộc dự án xây dựng 1.330 căn hộ và 506 căn hộ thuộc Dự án xây dựng 4.216 căn, đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu rõ: đối với quỹ nhà 506 căn hộ và hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của Dự án xây dựng 4.216 căn hộ Khu dân cư 30ha phường Bình Khánh quận 2, giao Ban quản lý KĐTMTT phối hợp với sở - ngành và các đơn vị liên quan rà soát, giải trình các nội dung liên quan dự án xây dựng 4.216 căn hộ tại khu 30ha phường Bình Khánh theo chỉ đạo của UBND TP tại Thông báo 614/2018.

Sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu tổ chức thực hiện theo quy định. Còn đối với quỹ nhà thuộc dự án 1.330 căn hộ do Liên doanh Sacomreal làm chủ đầu tư,  giao Ban quản lý KĐTMTT chủ trì, phối hợp với sở - ngành và các đơn vị liên quan dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 24/2017 và theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn 38/2017.

Trong đó, giải trình rõ phương án “ưu tiên bán lại cho chính chủ đầu tư hoặc thương thảo để không tiếp tục thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà” theo quan điểm: TP sẽ đàm phán với chủ đầu tư để không thực hiện thanh toán và mua lại quỹ nhà, chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại. TP sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp với mục đích sử dụng đất để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao cho chủ đầu tư làm dự án.TP. HCM: Căn hộ tái định cư dôi dư tại Thủ Thiêm sẽ được chuyển đổi sang nhà ở TM - Hình 1

TP. HCM sẽ đưa ra đấu giá nhà tái định cư dư thừa (Ảnh: Lê Quân)

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Phong chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh gia hạn thời gian hoàn thành đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn theo hình thức hợp đồng BT, chậm nhất 2 tháng, kể từ ngày UBND TP có ký kiến về lựa chọn phương án kiến trúc. Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, hướng dẫn Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh lập và trình tối thiểu 3 phương án kiến trúc phù hợp nhất so với nhiệm vụ thiết kế cầu đi bộ.

Về dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo văn bản của UBND TP đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Ba Son và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 khẩn trương bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để triển khai thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo đúng tiến độ quy định. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương tham mưu, đề xuất trình UBND TP phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo quy định. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đôn đốc sở - ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương góp ý hồ sơ dự toán thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT.

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm công bố công khai thông tin dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để các nhà đầu tư quan tâm, đăng ký lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trường hợp có từ 2 đơn vị đăng ký nghiên cứu trở lên, sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định. Thời gian nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tối đa 6 tháng, chi phí do các nhà đầu tư tự cân đối. 

Về phương án quy hoạch kiến trúc của dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a, ông Nguyễn Thành Phong thống nhất với ý kiến của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP về hợp khối công trình tại lô 2 - 5 (từ 2 khối thành 1 khối tháp) và có chiều cao tối đa 50 - 60 tầng, vẫn giữ nguyên diện tích sàn xây dựng trên mặt đất khoảng 120.000m2.

Lý giải về nguyên nhân của việc thừa nhà và nền đất TĐC Sở Xây dựng cho biết là do chính sách bồi thường, TĐC thay đổi theo hướng ngày một thoáng hơn. Trước đây, Nhà nước bồi thường đất của người dân theo giá thấp, các hộ dân bị di dời có xu hướng nhận nhà TĐC, vì có lợi hơn phương án nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, quy định lại yêu cầu phải có nhà TĐC trước khi di dời nên thành phố phải chuẩn bị quỹ nhà TĐC lớn.

Cụ thể, việc xác định nhu cầu tái định cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn bất cập, chưa đầy đủ thông tin và khả năng dự báo, dẫn đến việc lập phương án đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ sở để xác định nhu cầu xây dựng 12.500 căn hộ của thành phố căn cứ vào số liệu thống kê của quận 2 về các hộ có ảnh hưởng khi bị thu hồi đất để làm dự án tại 5 phường (khoảng 12.229 hộ). Tuy nhiên, quận, thành phố lại không xác định được có bao nhiêu hộ có đủ điều kiện được tái định cư, bao nhiêu hộ đủ điều kiện nhưng không chọn tái định cư.

Phương án tái định cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài tái định cư bằng chung cư còn có hình thức tái định cư bằng nền đất. Thế nhưng số lượng nền đất lại không được tính toán hợp lý, để loại trừ khi xác định nhu cầu quỹ căn hộ cần xây dựng để bố trí tái định cư.

 Hải Đăng