Tại các sạp bán bắp cải, bao tải lớn bắp cải được thương lái đổ ra, dùng dao gọt bỏ phần lá dập nát, thối rữa bên ngoài. Phần lá bắp cải hư này vứt ngay dưới nền nhà lồng, hòa lẫn với rác, bao bì, giấy báo... và thường xuyên bị người làm ở các sạp giẫm đạp lên. Thông thường, số rau thải này sẽ được công nhân vệ sinh của chợ thu gom về bãi tập kết rác, nhưng thực tế luôn có người đến thu gom đem đi chế biến thành cải bắc thảo.

TP. HCM: Đình chỉ cơ sở làm cải bắc thảo từ… rác thải - Hình 1

Xay bắp cải thải - chế biến thành cải bắc thảo tại cơ sở Lạc Long Quân

Từ rau thải chế biến thành cải bắc thảo

Trước đó, ngày 2/10, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an TP. HCM), Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM kết hợp với Công an Q.11 (TP. HCM) kiểm tra một cơ sở sản xuất cải bắc thảo tại căn nhà số 247/36/15, Lạc Long Quân (P.3, Q.11).

Tại hiện trường, công nhân của cơ sở đang xay lá bắp cải hư hỏng, thải đi, cho xuống bể ngâm. Nơi làm việc là một lán dựng tạm, lá bắp cải đổ trên nền bê tông dơ bẩn. Gần đó, một bể ngâm dài khoảng 6 m, được ngăn thành nhiều ô, chứa đầy nước đục ngầu. Cơ sở sản xuất hôi nồng mùi chua.

Tại nơi đóng gói, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn lá bắp cải đã chế biến. Một số sản phẩm đã được đóng gói, hoặc ủ trong thùng nhựa lớn để trên nền nhà. PC49 còn phát hiện 3 bịch bột màu trắng, vàng, đỏ sẫm. Chủ cơ sở cho biết, số bột này mua ở chợ Kim Biên, dùng để chế biến bắp cải. Thành phẩm được bán cho các đầu mối ở chợ Bình Tây, từ đó phân phối đi các địa phương khác; bán cho một số quán ăn ở khu vực lân cận...

Theo một cán bộ PC49, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sản phẩm chưa được công bố phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ...

TP. HCM: Đình chỉ cơ sở làm cải bắc thảo từ… rác thải - Hình 2

Từ rau cải bị vứt đi, được “chế biến” thành cải bắc thảo bán cho các quán ăn

Nhiều lần xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm?

Tại buổi làm việc, ông Trần Phi Long, Phó chủ tịch UBND quận 11 cho biết, từ năm 2009, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận đã áp dụng kiểm tra và xử phạt cơ sở này, do bà Huỳnh Thị Bé làm chủ, ngành nghề kinh doanh là cải muối, bắp cải thảo, mắc một số lỗi vi phạm: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh; không thực hiện việc khám sức khỏe cho người lao động… Theo đó, cơ sở bị phạt gần 11 triệu đồng và đề nghị ngưng vận hành kinh doanh.

Đến năm 2016, vợ chồng ông Nguyễn Văn Phụng (cháu ruột bà Huỳnh Thị Bé) tiếp tục kinh doanh chế biến cải bắc thảo, UBND phường 3 đã đề nghị cơ sở ngưng vận hành và khắc phục một số tồn tại cho đến khi có đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; đồng thời ông Nguyễn Văn Phụng cũng đã cam đoan ngưng vận hành kể từ ngày lập biên bản (9/10/2016).

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin cơ sở Vạn Hưng sử dụng rác để chế biến cải bắc thảo lén lút, Đoàn kiểm tra - Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP. HCM), UBND quận 11 đã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với UBND phường 3 kiểm tra như đã thông tin ở trên.

Trong 9 tháng đầu năm, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận 11 phối hợp với cơ quan công an quận áp dụng kiểm tra 86 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và đã đề xuất UBND quận ban hành quyết định xử lý 31 cơ sở vi phạm hành chính (chiếm 36%) có tổng số tiền hơn 182 triệu đồng, tiêu hủy 154kg thịt heo, 20kg bánh nậm, 40 kg gân bò, 10,5kg chân gà không chắc chắn an toàn thực phẩm.

Cao Diên – Hải Dương