TP. Hồ Chí Minh kêu gọi công nhân ở lại tiếp tục lao động sản xuất
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, nhất là đối với lực lương lao động, nhiều người dân trở về quê, đã gây ra việc thiếu hụt lao động tại TP. Hồ Chí Minh và tạo ra gánh nặng về phòng chống dịch tại nơi họ trở về.
Mới đây, tại buổi họp báo công bố chỉ thị của UBND Thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoà Bình đã nhấn mạnh tới nguy cơ thiếu hụt lao động trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Thành phố cần người lao động, cần công nhân để tiếp tục tham gia các hoạt động, sản xuất, kinh doanh của thành phố. Người dân hãy ở lại với thành phố nhận gói hỗ trợ và tiếp tục tham gia sản xuất để cùng thành phố xây dựng và phát triển”.
Các nguồn lực đến với TP. Hồ Chí Minh đều được chân trọng, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho hay, bất cứ người dân nào đến TP. Hồ Chí Minh với mục đích từ học tập, việc làm, du lịch thì thành phố đều trân trọng, đón tiếp, chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, người lao động thành phố càng trân trọng bởi chính những người này đã góp phần tạo ra của cải vật chất cho thành phố.
Theo ông Hải, khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 18, thành phố đã động viên người lao động tiếp tục ở lại. Từ 1/10 đã có rất nhiều dịch vụ, cửa hàng và nhiều nhà máy, doanh nghiệp mở cửa hoạt động lại nên rất cần người lao động.
“Một sức sống mới đang hiển hiện những ngày vừa qua. Thành phố trân trọng mời bà con ở lại tiếp tục đóng góp thêm cho thành phố. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện, vận động nhà trọ giảm giá thuê, hỗ trợ đợt 3, tiếp tục có gói an sinh... cho người lao động”, ông Hải chia sẻ.
Nhiều chính sách “giữ chân” người lao động
Các chuyên gia cho rằng, thời kỳ sau đại dịch Covid-19 là dịp các doanh nghiêp phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chính sách cho người lao động. Doanh nghiệp nào có chính sách tốt, người lao động sẽ quan tâm. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi để giữ chân người lao.
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nguồn nhân lực lao động cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" được tổ chức vào đầu tháng 10/2021, đã có nhiều ý kiến đóng góp về các giải pháp để giải quyết nguồn lao động thiếu hụt trầm trọng hiện nay, phải thực hiện đồng bộ, sát với nhu cầu, tâm lý, quyền lợi của người lao động.
Trong đó: Địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, tăng cường tuyên truyền việc dịch chuyển về quê ồ ạt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh...
“Bảo đảm phòng dịch Covid-19, lương thưởng xứng đáng, phúc lợi cho người lao động, chính sách làm việc linh hoạt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ gắn với hiệu suất, mức lương tương xứng cho người lao động... sẽ là những giải pháp căn cơ giúp tạo niềm tin, sự chia sẻ, đồng hành, gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet Corporation nêu những kiến nghị.
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay thì việc chỉ chăm lo không chỉ nên dừng lại ở việc cung cấp nhu yếu phẩm mà còn phải tính đến các phương án hỗ trợ khác.
Bà Diệu Thuý đề xuất TP. Hồ Chí Minh nên vận động chủ nhà trọ miễn 100% tiền thuê nhà cho người lao động, công nhân mất việc làm thì mới mong giữ chân được người lao động.
Để giữ chân người lao động trong đại dịch, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho rằng, nếu làm không tốt, chăm lo không tốt cho người lao động, sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện "3 tại chỗ", lãnh đạo Công ty đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động; chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn để tăng cường sức khoẻ cho người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động được tốt hơn. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của doanh nghiệp trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch…
Tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung sự thiếu hụt
Kết quả khảo sát từ Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP. Hồ Chí Minh (Yes Center) về nhu cầu tuyển dụng cho thấy nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lớn, có những doanh nghiệp "tuyển dụng không giới hạn".
Trước diễn biến dịch chuyển thị trường việc làm, Yes Center đã khởi động chương trình Tiếp sức người lao động với "Combo 3 trong 1" kéo dài từ ngày 1/10 đến 30/11/2021. Ba hoạt động trong combo gồm Nhà trọ không đồng - Test nhanh miễn phí - Có việc làm ngay.
Theo đó, người lao động được giới thiệu việc làm hoàn toàn miễn phí, được test nhanh khi đi phỏng vấn xin việc hoặc ngày đầu tiên lao động đến doanh nghiệp để nhận việc, được giới thiệu các khu nhà trọ không đồng, khu nhà trọ giá rẻ để lao động nhanh chóng ổn định chỗ ở, an tâm tìm kiếm việc làm.
Nhiều lao động đã về quê, Trung tâm đã hỗ trợ để tư vấn cho người lao động các điều kiện cần để có thể quay trở lại thành phố làm việc, hỗ trợ test nhanh cho người lao động trước khi đến công ty phỏng vấn. Trung tâm còn kết hợp với hệ thống Đoàn thanh niên ở 63 tỉnh thành để kết nối người lao động có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM) cũng phối hợp với Phòng lao động các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các khu công nghiệp, trường cao đẳng, đại học, trường nghề... để tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như trên website của trung tâm.
Trung tâm đã thu thập, sàng lọc danh sách người lao động có nhu cầu tìm việc từ các nguồn như: người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do có nhu cầu tìm kiếm việc làm, sinh viên, học sinh mới ra trường, bộ đội xuất ngũ... để kịp thời tư vấn, giới thiệu người lao động đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Với những quyết sách, sự đoàn kết và quyết tâm của Chính quyền, doanh nghiệp và người dân, chúng ta có quyền hy vọng trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển xứng tầm đô thị hàng đầu của Việt Nam.
Vũ Lê