Thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết chiều ngày 26/2 có tiếp nhận một nữ bệnh nhân (32 tuổi, ngụ TP.HCM) vào Khoa cấp cứu của bệnh viện thăm khám do cảm thấy mệt, khó thở, sốt. 

(Ảnh: minh họa)

Qua tìm hiểu được biết, cách đây một năm bệnh nhân có tiêm filler làm đầy vùng ngực. Sau một thời gian vùng ngực không còn như ý nên trước khi nhập viện khoảng một tuần, bệnh nhân có đi tiêm filler vào vùng này.

Sau khi tiêm xong, 3 đến 4 ngày sau bệnh nhân thấy mệt, khó thở nên vào viện. Tại đây, bệnh nhân được cho chụp phim phổi thấy có tổn thương nên chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, lúc này bệnh nhân khó thở vừa.

Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hô hấp và làm các xét nghiệm cần thiết, trong đó có xét nghiệm COVID-19, kết quả âm tính.

Đến ngày 27/2, bệnh nhân có diễn tiến suy hô hấp, ho ra máu sét đánh lượng nhiều nên được đặt nội khí quản và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Tại đây, bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu nặng, rối loạn đông máu do ho ra máu lượng nhiều. Bên cạnh đó, phổi bệnh nhân đầy máu, chẩn đoán hội chứng chảy máu phổi (xuất huyết phế nang lan tỏa). Kết quả chụp CT không thấy tắc động mạch phổi hay não.

Dù được tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 28/2 với chẩn đoán sốc mất máu do chảy máu trong phổi.

Tiêm filler là một xu hướng trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, hiểu được cấu trúc bên trong cơ thể, không thể nhận sự tư vấn tuỳ tiện cuả những người không có chuyên môn.

Với những chị em phụ nữ có ngực không quá nhỏ, tiêm filler hoặc bơm mỡ tự thân là giải pháp giúp ngực có vẻ đẹp tự nhiên.

Với filler, cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, nguồn gốc filler rõ ràng, bác sĩ tiêm có kĩ thuật, am hiểu về cấu trúc cơ thể. Trong khi thực tế hiện nay, vì thiếu hiểu biết, rất nhiều chị em lựa chọn tiêm filler nâng mũi, nâng ngực ngay tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng... hết sức nguy hiểm.

Nguyễn Tùng