Quy trình tra cứu thuốc cấp cứu này nhằm tối ưu hóa việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thuốc cấp cứu
Quy trình tra cứu thuốc cấp cứu này nhằm tối ưu hóa việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thuốc cấp cứu (Ảnh: KT)

Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cấp cứu người bệnh, Sở Y tế đã triển khai phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tại Công văn số 8856/SYT-NVD ngày 05 tháng 9 năm 2024.

Mục đích của quy trình tra cứu thuốc cấp cứu này nhằm tối ưu hóa việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thuốc cấp cứu, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống y tế thành phố.

Phạm vi áp dụng quy trình bao gồm: Sở Y tế TP. HCM; các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế; trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Quy trình tra cứu và hỗ trợ thuốc cấp cứu giữa các cơ sở y tế bao gồm các bước cụ thể sau: Một là, tra cứu tìm thuốc cấp cứu: Khi bệnh viện không có sẵn loại thuốc cấp cứu cần thiết, bác sĩ trực sẽ truy cập vào phần mềm tra cứu (https://qldpthuoc.medinet.org.vn:82) để xác định thuốc cần sử dụng đang có ở bệnh viện nào. Nếu không có bệnh viện nào có loại thuốc cần thiết, bác sĩ sẽ hội chẩn để tìm thuốc tương đương thay thế. Nếu tìm được bệnh viện có thuốc, bác sĩ có hai phương án: chuyển viện cho bệnh nhân hoặc đề nghị bệnh viện đó hỗ trợ thuốc.

Hai là, liên hệ hỗ trợ thuốc cấp cứu: Lãnh đạo bệnh viện sẽ liên hệ trực tiếp với lãnh đạo bệnh viện có thuốc (liên hệ qua điện thoại) đề nghị được hỗ trợ thuốc cấp cứu cho bệnh viện .

Ba là, Tiếp nhận thuốc cấp cứu: Nhân viên trực dược đi nhận thuốc ngay sau khi được sự chấp thuận của trực lãnh đạo bệnh viện nơi có thuốc (sử dụng phiếu mượn thuốc) và bàn giao ngay cho khoa lâm sàng có nhu cầu sử dụng thuốc. Khoa dược thực hiện và gửi văn bản mượn thuốc trong vòng 24h sau khi nhận thuốc.

Đồng thời, Sở Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tổ chức phổ biến, tập huấn quy trình trên cho toàn thể nhân viên y tế và triển khai áp dụng nhằm góp phần tăng cường điều trị cấp cứu người bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ Phòng Nghiệp vụ Dược (DS.CKII Vũ Thị Thúy Hồng, PTP. Nghiệp vụ Dược) hoặc Phòng Nghiệp vụ Y (BS.CKII Bùi Nguyễn Thành Long, PTP. Nghiệp vụ Y, số điện thoại: 0903.969.300) để được hỗ trợ.

Thuận Yến