Theo đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu “chạy” thí điểm học bạ số cho gần 133.000 học sinh lớp Một năm học 2023-2024, kịp theo tiến độ đặt ra.
Mã học bạ số được sử dụng là mã định danh cá nhân học sinh theo Đề án 06. Thời gian qua, quá trình thực hiện rà soát, khối lớp Một toàn thành phố còn khoảng gần 200 học sinh chưa có mã định danh - đa phần là các em từ tỉnh khác đến TP. Hồ Chí Minh học tập; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Với những trường hợp này, Công an TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời hỗ trợ, đến nay 100% học sinh đã được cấp mã số định danh cá nhân, phục vụ thực hiện thí điểm học bạ số.
Để thực hiện thí điểm học bạ số, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng và ban hành 2 quy chế, cụ thể.
Thứ nhất, Quy chế thu thập, quản lý, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Quy chế tạm thời quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, Quy chế thu thập, quản lý, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh ràng buộc, quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số giáo dục của thành phố nói chung và việc triển khai học bạ số nói riêng, từ cán bộ quản lý, giáo viên cho đến doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, đảm bảo dữ liệu học sinh được bảo mật một cách nghiêm ngặt theo đúng quy định của pháp luật.
Quy chế tạm thời quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh quy định rõ các khái niệm trong quá trình triển khai học bạ số, việc thực hiện, quản lý học bạ số… đảm bảo tính toàn vẹn và tính pháp lý của học bạ số.
Cũng theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, điểm mới của TP. Hồ Chí Minh khi triển khai học bạ số là triển khai phần mềm theo dõi, đánh giá học sinh.
Trong đó, với bậc tiểu học là Bảng tổng hợp và đánh giá kết quả giáo dục; cấp trung học, giáo dục thường xuyên là Sổ theo dõi và đánh giá học sinh đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số… Tập hợp các dữ liệu này bao gồm dữ liệu về người học, dữ liệu về điểm số, kết quả học tập và được giáo viên ký số theo từng lớp phụ trách để đảm bảo tính toàn vẹn.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cung cấp giao thức cho phép các phần mềm quản lý dữ liệu theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số kết nối với cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số dùng chung của ngành, cổng xác thực học bạ số, hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của thành phố thông qua nền tảng tích hợp dữ liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo (Trục dữ liệu).
Việc phát hành học bạ được kiểm soát thông qua hệ thống Hệ thống dữ liệu theo dõi và đánh giá học sinh, quản lý học bạ số tại đơn vị, đảm bảo quy trình liên thông kết quả kiểm tra đánh giá được kiểm soát chặt chẽ, có lưu vết, có phân công trách nhiệm. Chữ ký số của từng giáo viên trên học bạ số đảm bảo giáo viên chịu trách nhiệm cho nội dung phụ trách…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.
Học bạ số bao gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, học bạ số được bổ sung các trường thông tin không có trong học bạ giấy như: mã số tra cứu học bạ, mã số định danh, ngày hiệu lực của học bạ số.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tùy theo giải pháp bảo trì, bảo lưu, lưu trữ học bạ số có thể cần đến các giải pháp xã hội hóa hoặc là tính toán đến tính năng nào đó của học bạ số cần xã hội hóa. Còn cơ bản, học bạ số là được miễn phí.
Hoàng Bách(t/h)