Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị người đứng đầu sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức khẩn trương kiểm tra, rà soát để tham mưu Chủ tịch UBND TP xem xét theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả để thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2030 theo đúng kế hoạch của Chính phủ; đồng thời, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giao Sở Nội vụ tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP tổ chức Hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Sở Nội vụ cũng phải tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp,
Đáng chú ý, Sở Nội vụ sẽ tham mưu việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp là vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo.
Giao Sở Kê hoạch và Đầu tư bổ sung lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính vào vào quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các đơn vị hành chính đô thị dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030, Sở Xây dựng được giao phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương rà soát tình hình quy hoạch đô thị của địa phương có liên quan, đề xuất các biện pháp để đảm bảo và tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị sau khi hoàn thành sắp xếp.
Sở Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch và lý lịch tư pháp; việc áp dụng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
UBND TP cũng giao Công an TP. Hồ Chí Minh cung cấp số liệu dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để các địa phương có căn cứ lập hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xác định các đơn vị hành chính cấp xã là đơn vị trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Đồng thời, hướng dẫn, thực hiện việc thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp; hướng dẫn chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
Trước đó, giai đoạn 2019 - 2021, TP. Hồ Chí Minh sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP. thủ Đức, và sáp nhập một số phường ở các quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và TP. Thủ Đức. Sau khi sắp xếp, TP. Hồ Chí Minh còn 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức (giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện), cấp xã còn 312 phường, xã, thị trấn (giảm 10 phường). |
Hoàng Bách