Theo đó, về sử dụng các thửa đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để lập dự án xây dựng Khu tái định cư, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) khẩn trương rà soát, có ý kiến về việc sử dụng các thửa đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để lập dự án xây dựng Khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 3 và các dự án khác trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, gửi Sở Xây dựng trước ngày 25/07/2022.
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định nhu cầu tái định cư của dự án, tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh lập dự án xây dựng Khu tái định cư phục vụ Dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đồng thời, rà soát quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn để tham mưu UBND TP phân bổ cho các địa phương sử dụng.
Về điều chỉnh các đồ án quy hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và UBND các huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án để thực hiện điều chỉnh (nếu có); tham mưu, đề xuất UBND TP các thủ tục về điều chỉnh, quản lý quy hoạch liên quan đến dự án, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 3.
Về công tác đo vẽ thành lập bản đồ phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể, đối với công tác lập bản đồ hiện trạng vị trí ranh toàn bộ dự án (có hệ tọa độ VN 2000) giao Trung tâm đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đối với bản đồ hiện trạng vị trí từng hộ dân bị ảnh hưởng dự án (có hệ tọa độ VN 2000) giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp UBND TP Thủ Đức, UBND các huyện: Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ chức năng, năng lực để thực hiện công tác đo vẽ, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Về kinh phí phục vụ cho công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giao UBND TP Thủ Đức, UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh rà soát nhu cầu sử dụng kinh phí để phục vụ cho công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 3, gửi cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông để lập thủ tục tạm ứng theo quy định.
UBND TP giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TP hướng dẫn các đơn vị nêu trên thực hiện việc tạm ứng và giải ngân kinh phí theo quy định.
Được biết, trước đó Sở Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp thành phố cho dự án đường vành đai 3, do chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm trưởng Ban chỉ đạo, phó ban thường trực là phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, thành phần Ban chỉ đạo có thêm Thanh tra thành phố để kịp thời giải quyết những khiếu nại phát sinh.
Dự án đường vành đai 3 qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh có chiều dài 47,51km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ rất khó khăn, phức tạp vì ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của nhiều cá nhân, tổ chức.
Trong khi đó, công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị kỹ về nhân sự, kinh phí, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ngành, địa phương có liên quan.
Việc thành lập Ban chỉ đạo sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện.
Theo kế hoạch ký kết giữa TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Long An, việc bàn giao mặt bằng cho dự án đường vành đai 3 bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 03/2024; dự kiến khởi công dự án vào tháng 6/2023 và thông xe kỹ thuật toàn bộ tuyến đường vào tháng 10/2025.
Nguyễn Tùng