Tại kỳ họp, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, báo cáo các tờ trình của UBND thành phố.
Trong đó, UBND TP. Hồ Chí Minh có tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.Theo tờ trình, dự án Vành đai 3 thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án).
Đường Vành đai 3 thực hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh , tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe (bố trí không liên tục). Dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.
Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh hơn 24.000 tỷ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần thì địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ nguồn ngân sách địa phương.
Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, dự kiến khởi công từ quý 4/2023.
Để hoàn thiện thành phần hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh trình HĐND TP. Hồ Chí Minh xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh bố trí để thực hiện dự án Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cho phần phát sinh vốn ngân sách bố trí tăng thêm (nếu có) trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án).
Tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đề xuất cần rút ngắn thời gian thực hiện vì đây là dự án cần thiết, giúp kết nối giao thông, phát triển logistic của TP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý cần quan tâm thêm việc ghi vốn thực hiện những tuyến đường nội đô và đường dẫn, kết nối, điểm giao cắt vào đường Vành đai 3, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có dự án. Đồng thời, cần quan tâm công tác bồi thường về khảo sát; việc cắm mốc ranh giới quy hoạch; quy định về giá bồi thường; tái định cư… tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp đồng bộ với các tỉnh có liên quan để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh có tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Vành đai 3. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 3 ảnh hưởng đến 16,8 ha đất rừng (rừng trồng) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Vì vậy, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị HĐND TP. Hồ Chí Minh xem xét, thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khách để thực hiện dự án Vành đai 3.
Nguyễn Tùng