Hàng hiệu chính hãng ... giá rẻ
Có mặt tại chợ Bàn Cờ (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) phóng viên không khỏi bất ngờ khi tại đây có một khu vực chuyên kinh doanh thời trang từ quần áo, giày dép đến túi xách đã qua sử dụng được nhập từ các nước về Việt Nam.
Chị T.T.L. một người kinh doanh đồ si tại khu vực này cho biết, các mặt hàng đã qua sử dụng của người dân ở các nước: châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á, được thu gom dưới dạng hàng cứu trợ hoặc hàng lỗi mốt, lỗi kỹ thuật nên hầu hết hàng “thùng” là sản phẩm của những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như: Hermes, Louis Vuitton, Coco Chanel, Versace, Gucci, Dior… nhưng giá thành lại tương đối rẻ.
“Mỗi kiện hàng “thùng” được nén tới hàng nghìn chiếc áo quần, chăn đệm có thể lên tới hàng nghìn chiếc tùy từng chủng loại, chi phí mua tại gốc chỉ khoảng chục triệu đồng và thêm các khoản chi cho khâu trung gian. Do đó một chiếc áo, quần có giá tối đa là vài trăm nghìn đồng và tối thiểu là 10-15 nghìn đồng nên thu hút khá đông khách hàng” – chị L. thông tin thêm.
Giá đồ si cũng rất "thượng vàng hạ cám" nên thu hút nhiều khách mua hàng từ người có thu nhập thấp đến cả khách sang cũng tìm đến.
Cụ thể, áo phông, áo sơ mi đã qua sử dụng chỉ có giá từ 60-80 nghìn đồng/chiếc; quần bò có giá từ 50-150 nghìn đồng, một chiếc áo rét có chất liệu là nhung, nỉ hay lông vũ, lông trần có giá từ 100-200 nghìn đồng/chiếc hay một tấm thảm nhung, trải sàn có hoa văn đẹp, lạ mắt cũng chỉ có giá 500 nghìn đồng… So với hàng mới thì giá hàng “thùng” chỉ bằng 1/10, 1/20 giá tiền…
Hay như tại cửa hàng “Đồ Si Thủ Thiêm” (địa chỉ tại 624 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức), phóng viên được nhân viên tại đây giới thiệu hàng chục sản phẩm thời trang (quần, áo…) của nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Lacoste…
Đặc điểm chung của những sản phẩm được bán tại 2 địa điểm nói trên là đồ secondhand, không có tem nhãn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
“Đây là hàng đã qua sử dụng, được nhập từ bên nước ngoài về. Cái này được gom từ nhiều nước về bên Thái Lan, xong chuyển từ bên Thái Lan về bên mình (Việt Nam) theo từng kiện”, một nhân viên tại cửa hàng “Đồ Si Thủ Thiêm” cho hay.
Khi phóng viên hỏi mua một chiếc áo sơ mi nam mang thương hiệu Lacoste thì người này cho biết, những chiếc áo ở đây thường có mức giá từ vài trăm nghìn đến dưới 1 triệu đồng. Để người mua thêm phần yên tâm, nhân viên còn cam kết đây là hàng chính hãng.
“Đây là hàng nhập từ bển về mà, cam kết là hàng chính hãng, mặc ra đường không đụng hàng đâu, những vết ố bẩn trên áo thì về giặt là hết....” – người này nhấn mạnh.
Pháp luật quy định rõ ràng
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, tại mục 2 Phụ lục 1, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ một trong những danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm:
Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh; Hàng điện gia dụng; Thiết bị y tế; Hàng trang trí nội thất; Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác; Xe đạp; Mô tô, xe gắn máy. Do đó, kinh doanh các hàng hóa trên vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu” – Luật sư Dũng nhận định.
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, "hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
“Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc mua bán tất nhiên là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật” - Luật sư Dũng cho biết.
Cũng theo Luật sư Dũng, người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Căn cứ theo khoản 2 điều 15 điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với trường hợp: Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Như vậy, buôn bán hàng hóa qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu sẽ bị phạt gấp hai lần số tiền quy định tại khoản 1, điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…
Theo nhiều bác sĩ chuyên về da liễu, không thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh là do dùng đồ si. Tuy nhiên, đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao liên quan đến một số bệnh về da thường gặp.
Hàng si được thu gom từ nhiều nơi, nhiều nguồn và được làm sạch, làm mới bằng các loạt hóa chất tẩy rửa mạnh, nên mùi rất nặng. Khi mua về, dù có được giặt sạch thì những chất tẩy độc hại vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng.
Hơn nữa, quần áo này khi lấy về bán bị các chủ ki ốt vứt la liệt trên nền, sàn nhà nên bất bẩn, mất vệ sinh. Chưa kể, nếu chủ nhân trước của những trang phục này mắc bệnh da liễu hay phụ khoa thì có thể lây sang người hiện tại sử dụng nó.
Chuyên gia khuyến cáo, ngoài nhu cầu mặc đẹp người tiêu dùng cần phải chú ý tới trang phục sạch sẽ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết có vệ sinh, an toàn hay không. Không nên thử đồ lót và áo thun, quần áo mới khi mua nên giặt bằng nước nóng và phơi ở nơi khô thoáng trước khi mặc.
Hoàng Bách - Sông Trường