Cụ thể, từ ngày 01/01 đến ngày 16/09, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết.

Riêng trong ngày 16/09, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát hiện có 306 ca mắc mới. Hiện có 1.258 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện (trong đó có 915 ca cư trú tại thành phố).

Từ ngày 01/01 đến ngày 16/09, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết
Từ ngày 01/01 đến ngày 16/09, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: Internet)

Trong số 1.258 ca đang điều trị tại bệnh viện có 732 ca là người lớn (có 18 ca phụ nữ mang thai), 526 ca trẻ em, 111 trường hợp sốt xuất huyết nặng đang được điều trị, 7 ca đang lọc máu.

Đáng chú ý, tính đến nay, tại thành phố đã ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn cũng đang tăng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 16/09, toàn thành phố ghi nhận 13.720 ca tay chân miệng, tăng 41% so với cùng kỳ 2021 và chưa có ca tử vong.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) nhận định, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống tại các khu vực gần với con người sinh sống. Muỗi vằn đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xa,…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.

Trước tình hình các dịch bệnh trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Y tế thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết nhằm kéo giảm số ca mắc, tử vong. Sở Y tế cũng đề nghị người dân nâng cao tinh thần phòng, chống sốt xuất huyết bằng các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo.

Phong Vân