Theo đó, để tránh dàn trải, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các cơ sở lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP. Dựa trên các tiêu chí, thành phố đã chọn 41 dự án, trong đó 12 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 6 dự án lĩnh vực y tế, 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao - văn hóa.

Về lĩnh vực thể thao - văn hóa, TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất hàng loạt dự án quy mô lớn như trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, các công trình phục vụ thể thao....

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: KT)

Dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong danh mục này là xây dựng mới sân vận động có bố trí đường chạy điền kinh 50.000 chỗ. Dự án được đặt tại TP. Thủ Đức với diện tích gần 11ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.

Các dự án đáng chú ý khác là xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với diện tích 3,88ha ở TP. Thủ Đức, tổng vốn đầu tư là 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất đầu tư dự án xây dựng mới các đường đua xe đạp địa hình, mô tô địa hình, đường đua xe Go-Kart, nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô, cụm trường bắn súng và bắn cung. Trong số 23 dự án đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, có đến 16 dự án được đặt tại TP. Thủ Đức.

UBND thành phố cũng thông tin thêm, thông tin các dự án trong tờ trình chỉ là thông tin sơ bộ, làm cơ sở cho việc mời gọi nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, thực hiện dự án. Những thông tin chính xác hơn sẽ có trong quá trình lập, thẩm định báo cáo tiền khả thi và trình quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Hoàng Bách