Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết, ý nghĩa của việc TP. Hồ Chí Minh hợp tác với tổ chức quốc tế trong việc tổ chức khóa tập huấn này, góp phần thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TP. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.
Ông Tân bày tỏ mong muốn qua khóa tập huấn này, các cán bộ, công chức và viên chức TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu những kiến thức mới về mô hình quản trị của Singapore và nghiên cứu áp dụng phù hợp với thực tiễn thành phố, đặc biệt trong bối cảnh TP có nhiều cơ chế và chính sách đặc thù.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tinh gọn bộ máy công quyền.
Đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nhận diện đúng các vấn đề tồn đọng và từng bước khắc phục hạn chế ở ba yếu tố: năng lực, động lực và môi trường.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên cải thiện yếu tố liên quan trực tiếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy và đổi mới đội ngũ cán bộ nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các mô hình quản lý đô thị hiệu quả của thế giới, đặc biệt là khi xây dựng Nghị quyết 98, TP đã tích hợp các cơ chế và chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy và hành chính công.
Với khóa tập huấn này, ông Vũ hy vọng các chuyên gia và cán bộ sẽ cùng trao đổi về các giải pháp của Singapore trong công tác đánh giá cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị công.
Ngoài các lớp đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ cũng thông báo rằng trong thời gian tới, sẽ có các lớp đào tạo tại Singapore. Chương trình đào tạo sẽ không chỉ theo kế hoạch định kỳ mà còn được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế, các vấn đề phát sinh và sẽ được tính toán để đảm bảo hiệu quả đào tạo lâu dài.
Chương trình tập huấn sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11, với 5 chuyên đề chuyên sâu, gồm: tổng quan về quản lý nguồn nhân lực và các nguyên tắc nền tảng trong hệ thống công vụ; quy trình và hệ thống quản lý chất lượng thực thi công việc; phát triển nguồn nhân lực bền vững với trọng tâm là chính sách nhân sự dài hạn và xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa; đo lường năng lực và hiệu quả quản trị địa phương cấp tỉnh; cùng các phương pháp đánh giá hiệu quả công vụ dựa trên chỉ số hiệu suất (KPIs) và quản lý kết quả.
Hoàng Bách (t/h)