Đảm bảo cung – cầu lao động
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2023 của thành phố khoảng 81.172 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,1% tổng nhu cầu; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,73% và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 0,17%.
Nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu cần 15.081 chỗ làm việc, chiếm 18,5% tổng nhu cầu nhân lực quý IV. Trong đó, ngành Cơ khí chiếm 5,79%, ngành Điện tử - Công nghệ thông tin chiếm 5,79%, ngành Chế biến lương thực - thực phẩm chiếm 3,97% và ngành Hoá dược - Cao su chiếm 3,03%.
Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ,... nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm gần 13%.
Đơn cử một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực lớn như: Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 tuyển hơn 130 lao động về kỹ thuật, Công ty CP Tập đoàn giáo dục và đầu tư El với nhu cầu hơn 100 nhân sự về ngành giáo dục, Công ty TNHH BHNT Chubb Life có nhu cầu gần 100 nhân sự ngành bảo hiểm, Công ty may xuất nhập khẩu GC Việt Nam tuyển hơn 300 công nhân ngành may mặc…
Trong 02 tháng đầu của quý IV năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã thu thập thông tin tuyển dụng của 58 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng 4.204 lao động thông qua các phiên, sàn giao dịch việc làm và từ doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm.
Qua phân tích nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng theo danh sách 27 nhóm ngành nghề thì nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc nhóm lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.452 vị trí việc làm trống (chiếm 34,539% tổng nhu cầu tuyển dụng), kế tiếp là nhóm ngành kinh doanh-quản lý (chiếm 13.654%) và ngành da giầy-may mặc (chiếm 12.488%).
Để hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt về nhu cầu tìm việc, qua đó, phối hợp tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động; tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động, hỗ trợ người lao động bị mất việc, thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống.
Về vấn đề lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động dịp Tết và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết trước kỳ nghỉ ít nhất 20 ngày, bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch đã thỏa thuận.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức 02 đoàn khảo sát tại 20 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, ưu tiên chọn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng Tết, các doanh nghiệp cắt giảm lao động, doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể.
Dự kiến chăm lo Tết cho 13.000 đoàn viên, người lao động
Theo Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, đơn hàng sản xuất chưa ổn định. Đời sống, việc làm và thu nhập của nhiều người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng, nhất là người lao động các ngành nghề thâm dụng lao động như giày da, may mặc và đang ở trọ.
Trên cơ sở đó, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm đối với các cấp Công đoàn từ nay đến thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong đó, các cấp Công đoàn thành phố được yêu cầu tiếp tục chủ động phối hợp các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình quan hệ lao động, kịp thời tham mưu, giải quyết khi có tình huống phát sinh; tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lương, thưởng Tết đối với người lao động; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động tại cơ sở về số giờ làm thêm, xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, hướng dẫn xây dựng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tập trung nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động; kịp thời kiến nghị xử lý ngay những doanh nghiệp cố tình vi phạm những quy định pháp luật lao động; đồng thời vận động người sử dụng lao động chấp hành nghiêm pháp luật lao động.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”, mới đây, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024 đến đoàn viên, người lao động ở thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.
Dự kiến, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” chăm lo 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên đoàn viên, người lao động bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón tết. Mỗi trường hợp được chăm lo 1 triệu đồng (gồm quà và tiền mặt).
Tổ chức Công đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức chương trình cho 10.000 gia đình đoàn viên tiêu biểu vui chơi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen; họp mặt, tặng quà 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn hoàn cảnh khó khăn.
Năm nay, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục tặng vé máy bay, tàu, xe cho đoàn viên và người lao động; hỗ trợ 100% vé tàu đưa 500 gia đình đoàn viên tiêu biểu (cả vợ chồng và 2 con dưới 16 tuổi) có nhu cầu về quê đón tết.
Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các công đoàn cấp trên khảo sát, lập danh sách đoàn viên thuộc đối tượng được chăm lo gửi về Liên đoàn Lao động thành phố trước ngày 15/12.
Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cũng quán triệt các cấp công đoàn bám sát, rà soát tình hình, lập danh sách đoàn viên, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/4 đến cuối năm 2023, theo Quyết định 7785/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo chính sách này, mức hỗ trợ từ 1 đến 3 triệu đồng/đoàn viên. Nếu người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng 70% so với mức hỗ trợ đối với lao động là đoàn viên. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự trù kinh phí cho hoạt động này khoảng 145 tỷ đồng.
Hoàng Bách