Ngày 16/10, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch sởi các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, sau khi công bố dịch, đến thời điểm này chúng ta đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đạt tỉ lệ trên 95 %. Tuy nhiên, qua kiểm tra chéo của các đơn vị chuyên môn, xuất hiện tình huống một số trẻ không có trong danh sách, không được cập nhật vào hệ thống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyệt Nhi/PLO)

Cùng với đó, ở một số nơi kết quả tiêm chủng đạt 100 % nhưng tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh vẫn còn cao. Các nhà chuyên môn ở Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cũng đã thông báo rất rõ; từng ngành của thành phố như: Giáo dục, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an, Ban chỉ đạo của các quận, huyện đều có những hoạt động triển khai rất mạnh mẽ nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Ban chỉ đạo của các quận, huyện tự rà soát lại, tổ chức liên ngành phù hợp; nghiêm khắc chấn chỉnh các quận, huyện thường xuyên được nhắc tên nhưng kết quả vẫn không khả quan.

“Những trẻ bị nhiễm vào thời điểm thành phố chúng ta đang có dịch sởi, biểu hiện lâm sàng rất rõ, có thể xem là nhiễm bệnh để có biện pháp y tế kịp thời, không cần phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định. Chúng ta phải thống nhất quan điểm đó, toàn diện từ trên xuống dưới. Đối với các trẻ em trên địa bàn thành phố chưa được rà soát và cập nhật thông tin trên hệ thống cần có giải pháp khắc phục ngay, nhất là nhóm trẻ từ 1 - 10 tuổi”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBN D TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẩn trương có văn bản đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh ký văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép TP. Hồ Chí Minh tiến hành tiêm ngừa sởi cho trẻ dưới 6 - 9 tháng tuổi. Với các đối tượng khác cần bao phủ vắc xin, cũng cần có văn bản đề xuất chính thức.

Đối với Sở Giáo dục cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện ca có dấu hiệu nhiễm bệnh sớm, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, học sinh.

Đối với Công an TP. Hồ Chí Minh, có văn bản chính thức về tăng cường phối hợp liên ngành ở địa phương, đặc biệt là ở khu phố, khu dân cư để rà soát, cập nhật nhóm lưu trú.

Sở Y tế triển khai rà soát lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để đánh giá xem đã phát huy được năng lực của đội ngũ này hay chưa. Đối với các quận, huyện và TP. Thủ Đức, lãnh đạo các địa phương cần trực tiếp chỉ đạo toàn diện trên địa bàn phụ trách.

Hoàng Bách(t/h)