Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá tình hình kinh tế thành phố có tăng trưởng và cải thiện dần. Các chỉ số như sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tuy không cao nhưng tốt lên qua các tháng.

Cùng với đó là sự chuyển biến trong hệ thống chính trị, chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức; chất lượng công vụ được cải thiện. Đồng thời, thành phố cũng dồn sức cụ thể hoá nhiều nội dung cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh TTBC.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng kinh tế phục hồi còn chậm. Trong đó, luỹ kế xuất khẩu 10 tháng vẫn giảm 13,4%; FDI giảm 32,3%; tăng trưởng tín dụng thấp. Ông Mãi nhìn nhận, điều này phản ánh sức khoẻ nền kinh tế, cho nên cần tiếp tục chăm sóc, bồi dưỡng.

Đánh giá giải ngân đầu tư công của thành phố còn chậm và kết quả thấp nhưng Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn được giao.

"Đây là nhiệm vụ tập trung trong 02 tháng cuối năm. Tôi đề nghị các chủ đầu tư quán triệt, tổ chức rà soát, phân công lực lượng để thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công. Đây không phải phong trào mà là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và giao việc để làm", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, đến giờ này, có 479 dự án giải ngân trên 95% nhưng tổng vốn của 479 dự án này không lớn với hơn 1.100 tỷ đồng, mà chủ yếu đây là các dự án ở giai đoạn hoàn thành, quyết toán.

Ngoài ra, đến chiều nay (30/10), còn 19 đơn vị chưa gửi cam kết tiến độ. Ông Mãi lưu ý, đến chiều nay các đơn vị nào không gửi bản cam kết thì Văn phòng UBND thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách, xác định rõ nguyên nhân và "tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật, không phê bình nữa".

Còn đối với các dự án dự báo giải ngân dưới 80%, ông Mãi chỉ đạo cần tập trung gỡ vướng, tập trung có giải pháp để đạt mục tiêu không dưới 80%. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phải chủ động tính toán và không để tỉ lệ giải ngân chung dưới 80%".

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND thành phố sớm đề xuất vấn đề điều hoà vốn để tối đa hóa khả năng giải ngân.

Tại buổi họp, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài Chính TP. Hồ Chí Minh bày tỏ nhiều lo lắng có khả năng hụt thu trong hai tháng cuối năm, bởi tổng thu ngân sách trong 10 tháng qua ước đạt 372.000 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán.

Trong đó, phần thu nội địa hiện đạt 83%, còn thu từ xuất/nhập khẩu chỉ 69%. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu khá cao. Số thuế thu từ nhập khẩu cũng rất thấp. Dự ước từ đây tới cuối năm hụt 4 - 5%.

Do đó, trong hai tháng cuối năm, ông Minh cho rằng cần tập trung vào các khoản nợ thuế với hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hải quan là gần 2.000 tỷ.

Từ đó, ông đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tập trung đẩy mạnh nguồn thu. Giám đốc Sở Tài chính Thành phố cũng cho rằng các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên.

Đến nay thu dự toán đạt 97% nhưng mức chi chỉ mới đạt gần 60%, tức là trong hai tháng cuối năm tiêu tốn thêm 40% so với cả năm...

Hoàng Bách