Ngày 5/9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 24 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm.
Trong đó, riêng mặt hàng bánh kẹo, bánh Trung thu đã tạm giữ 15.749 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 150 triệu đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 219 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, những năm trở lại đây, thị trường bánh Trung thu ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt, giá thành hợp lý được nhập bằng con đường chính ngạch, tiểu ngạch và do các cá nhân tự sản xuất thủ công được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Xác định các mối nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với các loại bánh Trung thu nêu trên, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Trong đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm,...
Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường cũng tăng cường phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau Tết Trung thu, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, người tiêu dùng khi lựa chọn bánh Trung thu nên chọn các cửa hàng, thương hiệu uy tín, có đăng ký với cơ quan chức năng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, người tiêu dùng cần cẩn trọng, yêu cầu bên bán cung cấp thông tin về nguồn gốc, địa chỉ nơi sản xuất kinh doanh, cung cấp hóa đơn theo đúng quy định; Không sử dụng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác.
Ngoài ra, khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cần báo ngay cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoàng Bách (t/h)