TP. Hồ Chí Minh: Thị trường ‘xe ôm công nghệ’ tranh dành khốc liệt - Hình 1

Tài xế mặc áo Mai Linh Bike đội nón Vato hỏi thăm đường tài xế Go-Viet tại TP HCM

Chạy cho Go-Viet từ hôm 11/8, anh Thanh Hưng vẫn mặc đồng phục xanh lá của Grab để đón khách trưa 12/8. "Tài xế đăng ký đông quá, cỡ áo thì nhỏ nên hãng chưa cấp đồng phục kịp", anh Hưng giải thích kèm tuyên bố mấy hôm nay, mỗi ngày có 500 tài xế đến đăng ký chạy cho Go-Viet, không ít trong số đó đang là tài xế chạy GrabBike.

"Tôi chạy mới một ngày rưỡi mà kiếm trọn 800.000 đồng. Trong khi cùng thời gian như này mà chạy Grab có tầm 500.000 đồng. Bên này mới ra, miễn phí cho tài xế hoa hồng với thuế tới 6 tháng nên tranh thủ trước", anh Hưng cho biết.

Chạy thử nghiệm miễn phí vào tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, Go-Viet chính thức vận hành ở TP HCM với chiêu đồng giá 5.000 đồng mỗi chuyến dưới 8 km. Tuy nhiên, tài xế chạy vẫn được nhận đủ tiền tính theo km, giờ cao điểm được nhân đôi.

"Mỗi ngày được 9 điểm, tức chạy 9 cuốc, còn được thưởng thêm 100.000 đồng, ai mà không ham. Giá rẻ nên ứng dụng 'nổ' (cách nói ứng dụng báo có khách đặt chuyến) liên tục, nhất là giờ cao điểm, chỉ cần chờ gần mấy trường học là chạy không kịp. Tụi nhỏ giờ cập nhật nhanh lắm", anh Hưng nói thích Go-Viet vì cho đồng phục, không tốn tiền mua.

Khác với anh Hưng, anh Minh Tuấn làm thợ cắt tóc, lần đầu chạy xe ôm công nghệ. "Tôi có tiệm tóc nhỏ. Canh cao điểm 5-7h chiều tôi lấy xe chạy rồi về ăn cơm. Tầm 8-12h lại chạy tiếp. Chạy 3 buổi tối kiếm được 1,5 triệu", anh nói.

"Chạy ở nội thành thì tôi ưu tiên mở Go-Viet còn lúc đang ở xa như Bình Chánh, Tân Phú... thì tôi mở Grab", anh Nhân Quan mặc áo Grab nhưng đội nón Go-Việt cho hay. "Đi xe buýt 6.000 đồng, cái này có 5.000 đồng, nên trong nội thành mọi người đi nhiều lắm. Có ngày tôi chạy được đến 20 cuốc cho Go-Viet", anh nói thêm.

Cuối tháng 6/2018, ông Nguyễn Vũ Đức - CEO và Đồng sáng lập Go-Viet từng đề cập đến mục tiêu "hàng chục nghìn tài xế" tham gia nền tảng này. Trao đổi với báo giới, bà Hương Cung - Đại diện truyền thông của công ty cho biết hãng đã thường xuyên liên lạc với các tài xế trước ra mắt vài tháng, qua các kênh trực tiếp lẫn trực tuyến.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu An - Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam không bình luận gì về các chiến lược chiêu mộ tài xế của các đổi thủ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Grab cũng vừa triển khai chương trình "Nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần” dành cho tài xế GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress tại TP HCM từ ngày 6/8.

Nếu như giai đoạn cạnh tranh với Uber, Grab bơm mạnh tiền vào khuyến mại thì hiện hãng chi mạnh cho xây dựng tiện ích và nâng cấp chính sách, hạ tầng dịch vụ.

Chia sẻ hồi giữa tháng 6, ông Jerry Lim - CEO Grab Việt Nam nêu kế hoạch xây hơn 100 trạm dừng chân dành cho tài xế Grab với wifi, cà phê và thậm chí là rửa xe miễn phí tại TP HCM và Hà Nội.

Tài xế còn được "chăm sóc" với chính sách thưởng khi đón khách xa, hủy chuyến không phạt khi khách không nhận cuốc sau 5 phút chờ, cải thiện hệ thống bản đồ để tránh thiệt thòi giá cước khi chở khách qua các tuyến đường cấm, đường một chiều. Hiện tại, ngoài Grab và Go-Viet, TP HCM đang có sự góp mặt của hàng loạt ứng dụng gọi được xe 2 bánh như Mai Linh Bike, Vato, Aber và gần đây nhất là FastGo. Mỗi hãng cũng có chiêu thu hút tài xế riêng.

Đơn cử như Aber, để tránh nỗi "ám ảnh" về tỷ lệ ăn chia hoa hồng cho tài xế, hãng chọn hình thức thu phí dịch vụ cố định. “Chúng tôi không áp dụng mức chiết khấu cho từng cuốc xe của tài xế. Thay vào đó, Aber sẽ tính phí quản lý ứng dụng cố định, tương ứng tổng thu nhập hàng tháng của tài xế. Mức phí này được trừ mỗi tháng”, ông Huỳnh Lê Phú Phong - Giám đốc điều hành Aber mô tả vào dịp ứng dụng ra mắt.

Không chỉ cạnh tranh về khách hàng, cạnh tranh về số lượng tài xế cũng đang đến hồi sống còn với các ứng dụng gọi xe bởi nó quyết định đến độ phổ biến ở các địa điểm xa, độ nhanh khi khách hàng đặt xe và khả năng tăng quảng bá trên đường phố. Ngoài Grab đã hùng hậu thì Go-Viet nổi lên như tay chơi tận dụng mạnh cả tiền, công nghệ và thế trận do Uber để lại.

"Ứng dụng của Go-Viet tự gán tài xế nên hầu như có xe rất nhanh. Tài xế cũng được đào tạo phong cách ứng xử khá tốt. Ngoài ra, hãng được thừa hưởng những lợi thế rất lớn từ 'trận chiến' trước đó. Một lượng tài xế rất lớn vì không thích hoặc không được chạy Grab đang có sẵn để làm nguồn cung cho Go-Viet", ông Vũ Hoàng Tâm - người tham gia vào giai đoạn chạy thử nghiệm của ứng dụng này nhận xét. Ông Tâm là chuyên gia về ứng dụng di động và từng là thành viên sáng lập GrabBike ở Việt Nam.

Hằng Vương (T/h)