“Bỗng dưng” bị khởi tố?

Vừa qua, Thương hiệu & Công luận có phản ánh loạt bài liên quan đến đơn kêu cứu của anh Phùng Việt Long (trú tại phố Long Châu Sa, P. Thọ Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ) về việc bị Công an TP. Việt Trì giữ phương tiện giao thông nhiều tháng, sau vụ TNGT xảy ra vào ngày 18/01/2016.

Theo đó, ngày 18/01/2016, khi đang điều khiển xe tải BKS 19C-028.04 trên QL2 hướng từ Phù Ninh về Trại giam Phủ Đức, thuộc địa phận phường Vân Cơ (TP. Việt Trì), anh Long đã bật tín hiệu xi nhan xin đường rẽ vào hướng đi trại giam. Tuy nhiên, anh Long bỗng thấy có tiếng động phía đuôi xe. Dừng xe lại kiểm tra, anh Long phát hiện một người đàn ông nằm dưới đất, chiếc xe máy nằm cách xa đó. Khi kiểm tra lại xe, anh Long phát hiện thanh sắt bảo vệ đèn bên phải phía sau xe bị cong, gãy và người điều khiển xe máy đã đâm vào đuôi xe ô tô của anh.

Người đàn ông điều khiển xe máy tên là Tạ Văn Kỷ, thường trú tại xã Thụy Vân (TP. Việt Trì). Sau khi xảy ra vụ va chạm, anh Long đã gọi người đưa anh Kỷ đi cấp cứu, trong lúc khiêng anh Kỷ lên xe đi cấp cứu, mọi người phát hiện trên người anh Kỷ nồng nặc mùi rượu. Bước đầu, anh Long đã hỗ trợ gia đình nạn nhân số tiền 20 triệu đồng để lo viện phí.

Điều lạ là vụ tai nạn giao thông xảy ra từ ngày 18/1/2016 và anh Long đã bị giữ xe ô tô ngay tại thời điểm xảy ra tai nạn, nhưng mãi đến ngày 13/4/2016, Công an TP. Việt Trì mới lập biên bản tạm giữ xe (?) và anh Long bỗng bị CA TP. Việt Trì lập hồ sơ gửi VKSND TP. Việt Trì khởi tố về tội danh “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Sau nhiều tháng ròng rã gửi đơn thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng, cũng như cơ quan báo chí đăng bài phản ánh, lúc này anh Phùng Việt Long mới được trả lại xe. Tuy nhiên, sự việc tưởng chừng như đơn giản, dễ hiểu là anh Kỷ say rượu đi trên đường Hùng Vương, không kiểm soát được tốc độ, đã đâm vào đuôi xe của anh Long khi xe của anh Long sang đường vào đường Tản Viên, đã đi hết làn đường Hùng Vương, thì anh Kỷ đã đi sai.

Nhưng ngược lại, vụ việc vẫn được điều tra và truy tố theo hướng vị trí va chạm giữa 2 xe là ở giữa lòng đường và anh Long đã không nhường đường ưu tiên cho anh Kỷ, dựa trên dấu vết cà sát ở giữa lòng đường; trong khi tại biên bản vẽ sơ đồ hiện trường có ghi rõ  “hiện trường đã bị xáo trộn, không còn nguyên vẹn” khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trước sự việc trên, sau 2 lần phải hoãn phiên Tòa xét xử sơ thẩm, do sự vắng mặt của người làm chứng, thì ngày 17/02/2017, TAND TP. Việt Trì đã tiến hành mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Việt Long về tội danh “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, tại phiên Tòa, do người làm chứng được cho là quan trọng đã vắng mặt không lý do (ông Hòa, người nhìn thấy nạn nhân đâm vào đuôi xe ô tô tải của bị cáo Long), cũng như một số tình tiết chưa được làm rõ, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra lại với 6 vấn đề: (1) Xác định rõ chất bám dính trên phương tiện liên quan đến vụ tai nạn và tại hiện trường; (2) Tốc độ đi của 2 phương tiện; (3) Hướng đi của xe mô tô; (4) Điểm va chạm giữa 2 phương tiện; (5) Xác định với nồng độ cồn trong máu như nạn nhân thì có thể điều khiển được phương tiện hay không?; (6) Xác định lại thời điểm anh Kỷ dừng hợp đồng lao động tại nơi làm việc… để tiếp tục củng cố hồ sơ vụ án, cũng như điều tra lại những vấn đề chưa sáng t

Cần phán quyết công tâm!

Sau nhiều phiên tòa vì thiếu nhân chứng được cho là quan trọng vắng mặt không lý do, ngày 5 và 6/6/2017, TAND TP. Việt Trì tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Việt Long về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

TP. Việt Trì: Tạm giữ phương tiện giao thông có đúng luật? Bài 4: Chờ phán quyết công minh! - Hình 1

Phiên tòa ngày 6/6/2017

Tại phiên xét xử ngày 5/6/2017, Tòa án đã triệu tập được người làm chứng được coi là quan trọng và đã chứng kiến việc xảy ra tai nạn ngày 18/01/2016, là anh Nguyễn Tiến Hòa (sau nhiều lần vắng mặt tại tòa).

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định: Vết cà trên mặt đường số 01 ở giữa lòng đường trên bản vẽ hiện trường là điểm va chạm giữa xe máy của bị hại và xe ô tô của bị cáo và sau đó, xe máy văng ra các điểm tiếp theo.

Trong khi đó, ý kiến của luật sư của bị cáo cho rằng: “Nếu va chạm ngay ở điểm đầu tiên đó thì xe máy sẽ phải dừng và đổ ngay ở điểm đó hoặc bị đẩy lùi lại và đổ mới tạo ra vết số 1 đó. Nhưng trên thực tế, xe máy văng đi chéo xa hơn 14 m so với điểm cà đường số 1. Vậy chắc chắn, điểm va chạm giữa 2 xe phải ở chỗ khác và sau đó xe máy lạng nghiên, đổ dần hoặc văng 1 đoạn tiếp theo rồi mới đổ và có điểm cà số 1 rồi, lúc này tiếp tục văng ra xa hơn 15m".

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội đối với bị cáo Phùng Việt Long là sang đường không quan sát và không nhường đường cho bị hại là anh Tạ Văn Kỷ trong tình trạng sử dụng rượu bia và tông thẳng vào đuôi xe của anh Long với tốc độ cao và văng ra xa. Vị kiểm sát viên tại phiên xét xử luôn “tống đạt” bị cáo Long là người có lỗi, trong khi mọi căn cứ pháp lý chưa được làm sáng tỏ?

Đặc biệt, bản cáo trạng này vẫn giữa nguyên nội dung luận tội từ đầu, trong khi hiện nay bị cáo từ người độc thân nay đã có vợ con (nhân thân đã khác) và hồ sơ vụ án đã bị trả về cơ quan điều tra 2 lần, bổ sung thêm nhiều nội dung nhưng cáo trạng vẫn giữ nguyên. Dư luận cho rằng, tại vụ án này, không làm rõ các chứng cứ sẽ dẫn đến oan, sai?

Mặc dù, bị cáo Long khẳng định "bị cáo đã quan sát và không nhìn thấy người lái xe mô tô nên không thể nói nhường đường”. Bên cạnh đó, một nhân chứng là chị Hương, ngồi bán nước gần nơi xảy ra tai nạn cũng khẳng định “vào thời điểm anh Long sang đường không có phương tiện khác qua lại, khi sang đường, anh Long đã bật xi nhan và đi với tốc độ chậm”, nhưng không được vị kiểm sát viên để ý.  

Vị luật sư của bị cáo thì luôn nêu ra những vấn đề chưa rõ ràng trong vụ án để khẳng định không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của bị cáo Phùng Việt Long, cũng như giả thiết có thể có 2 hướng đi khác của bị hại đều dẫn tới các dấu vết để lại trên hiện trường như vậy.

TP. Việt Trì: Tạm giữ phương tiện giao thông có đúng luật? Bài 4: Chờ phán quyết công minh! - Hình 2

Anh Long tại phiên tòa ngày 5 - 6/6/2017

Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 17/2/2017, Hội đồng xét xử đã yêu cầu cần làm rõ 6 vấn đề trong vụ án. Kết thúc quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra mới chỉ làm rõ được 01 trong số 06 vấn đề được yêu cầu là xác định lại thời điểm anh Kỷ dừng hợp đồng lao động tại nơi làm việc). Còn các vấn đề quan trọng của vụ án chưa được làm rõ.

Cụ thể:

1. Không tính được tốc độ của xe mô tô của bị hại ngay trước khi xảy ra tai nạn. Và không xác định được khoảng cách giữa xe ô tô do anh Long điều khiển và xe mô tô do anh Kỷ điều khiển vào thời điểm xảy ra tai nạn (đây là vấn đề quan trọng, cốt yếu của vụ án để xác định điểm va chạm lần đầu của 2 xe).  

2. Không củng cố thêm được chứng cứ để xác định hướng đi của người bị hại. Vẫn chỉ căn cứ vào dấu vết hiện trường để lại và lời khai của các nhân chứng như các bản kết luận điều tra trước.

Trong đó, đáng chú ý là vẫn căn cứ vào lời khai của 2 nhân chứng Nguyễn Thanh Thảo và Nguyễn Tiến Hòa, đã bị luật sư bác bỏ bằng những lập luận như:

+ Không ai làm chứng vụ va chạm giữa anh Hòa và anh Thảo, cũng như sự có mặt của anh Hòa trong vụ tai nạn này;

+ Anh Thảo không nhớ ngày xảy ra vụ tai nạn (ngày xảy ra tai nạn là cơ quan điều tra nhắc);

+ Anh Hòa không biết rõ về loại xe mà mình va chạm phải của anh Thảo, nhưng lại nhớ rõ loại xe và màu xe của bị hại đi vụt qua mình?

+ Anh Hòa cũng nhớ rõ màu của xe của bị hại đi vụt qua mình với tốc độ cao, nhưng lại không nhớ chính xác màu của xe ô tô đỗ lại khi xảy ra tai nạn mà sau đó anh đi qua;

+ Cơ quan Công an đã có biên bản làm việc với 2 nhân chứng này với nội dung sửa lại nhìn thấy xe máy của bị hại vút qua đường trong phần tự khai của nhân chứng chữ NOVO thành chữ  NOUVO cho phù hợp và định hướng cho nhân chứng Hòa khai lại là nhớ ra xe của nhân chứng Thảo là xe Dream là hoàn toàn có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

3. Không đủ căn cứ xác định anh Tạ Văn Kỷ trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông có bật đèn chiếu sáng không. Cũng không xác định được hệ thống phanh sau của xe mô tô có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tai nạn hay không.

Giả thiết, anh Kỷ không bật đèn chiếu sáng trong khi vào thời điểm đó bắt buộc các xe phải bật đèn khi tham gia giao thông, thì việc bị cáo không phát hiện ra bị hại khi ở khoảng cách xa dẫn tới tai nạn là bị cáo không có lỗi không nhường đường cho làn ưu tiên.

4. Không có căn cứ xác định nồng độ Ethanol 125,2mg/100ml máu, thì ở người bình thường có đủ tỉnh táo để điều khiển xe mô tô hay không?

Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải xác định với thể trạng của anh Tạ Văn Kỷ thì sẽ xác định được sức chịu được nồng độ cồn bao nhiêu, nhưng cơ quan điều tra đã không làm?

5. Chưa bổ sung thêm căn cứ làm rõ chất sinh học, chất keo màu đỏ, chất keo màu xanh là gì?

Đại diện Viện kiểm sát đã không trả lời gì khi vị luật sư của bị cáo đưa ra vấn đề này (vì trong cáo trạng có nêu nên những chất này). Vậy liệu rằng, vụ án có đủ sự thật khách quan được làm rõ?

Tại buổi làm việc sáng 6/6/2017, vị đại diện Viện kiểm sát khẳng định mà theo dự luận là "thiếu căn cứ" rằng: "Người bị hại là anh Tạ Văn kỷ, mặc dù có nồng độ cồn cao, nhưng vẫn đi đúng làn đường, đúng tốc độ nên anh Kỷ không sai” (!?).

Ngay việc điều tra giám định và việc xét hỏi tại phiên tòa vẫn chưa thể làm rõ hướng đi, cũng như tốc độ của xe máy. Vậy nhưng, không hiểu vị đại diện Viện kiểm sát căn cứ vào đâu để khẳng định như vậy?

Kết thúc 2 buổi làm việc sáng 5 và 6/6/2017, Hội đồng xét xử nhận thấy vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ tại phiên xét xử và quyết định tạm hoãn phiên Tòa tới 8h30 ngày 9/6/2017. Hội đồng xét xử mời người làm chứng, đại diện viện kiểm sát, bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo, 8h30 ngày 9/6/2017, có mặt tại hiện trường vụ án để làm rõ các tình tiết. Bên cạnh đó, làm rõ lại khoảng cách giữa xe máy và ô tô tại thời điểm xe chuyển hướng sang đường.

Thực ra, việc xác định thực nghiệm hiện trường và xác định rõ lời khai của nhân chứng là việc của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Nhưng không rõ vì sao, cơ quan điều tra và viện kiểm sát lại không thể làm được việc đó (mặc dù Tòa án đã trả hồ sơ về điều tra lại 2 lần)? Vì thế, bây giờ Hội đồng xét xử phải quyết định đưa nhân chứng, bị cáo ra hiện trường để làm rõ lại các tình tiết.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 24 Luật Giao thông đường bộ (khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường: Tại nơi đường giao nhau, không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;). Nhưng nếu giả thiết trong trường hợp này, hướng đi của bị hại là anh Kỷ nằm trong phần đường ưu tiên thì xe ô tô của bị cáo phải nhường đường cho xe máy của anh Kỷ.

Tuy nhiên, khi ô tô bắt đầu chuyển hướng sang đường và quan sát mà không thấy xe máy của bị hại (lúc đó có thể bị hại vừa đi tốc độ nhanh, vừa đang ở quá xa nút giao thông hoặc không bật đèn giao thông theo đúng quy định) thì với tốc độ đi nhanh của bị hại, sẽ dẫn tới việc chỉ trong tích tắc, sẽ lao tới va chạm với ô tô đang sang đường và gây bất ngờ cho lái xe ô tô dẫn đến tai nạn.

Như vậy, sự lao đến nhanh trong tích tắc đó chính là sự kiện bất khả kháng đối với ô tô. Nếu trong trường hợp này là sự kiện bất khả kháng thì lái xe ô tô hoàn toàn không có lỗi.

Dư luận băn khoăn vì nhiều tình tiết quan trọng của vụ án chưa được làm sáng tỏ.

Trước sự việc trên, rất mong một sự phán quyết công tâm của TAND TP. Việt Trì để tránh oan, sai cho người dân vô tội.

                                                                                            Cao Huyền – Quang Nam