Như đã phản ánh từ 2 bài TPCN Sumhevi quảng cáo như "thần dược" chữa được bệnh viêm xoang? và 'Bóc mẽ' thần dược điều trị viêm xoang Sumhevi thì hiện nay sản phẩm Sumhevi (Công ty CP Đầu tư Dược phẩm Sum) đang cố tình đánh lừa người tiêu dùng và quảng cáo sản phẩm như một loại thuốc điều trị. Không những thế sản phẩm lại được doanh nghiệp (DN) quảng cáo rầm rộ trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng với nhiều công năng điều trị, trị như là một loại thuốc khiến khách hàng nhầm lẫn. Từ đó, bỏ qua những biện pháp can thiệp y học cần thiết, gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe bệnh nhân.
Sản phẩm Sumhevi
Ngoài việc đánh lừa người tiêu dùng, phải chẳng TPCN Sumhevi còn đang cố tình vi phạm pháp luật?
Để rộng đường dư luận, phóng viên (PV) Báo Thương hiệu & Công luận đã có buổi phỏng vấn Luật sư Vũ Biên - Văn phòng luật sư An Phước tại Hà Nội về vấn đề này.
Một trong những bài chia sẻ được đăng trên website (Ảnh chụp màn hình)
Sumhevi điều trị viêm xoang - được quảng cáo trên phương tiện truyền thông và có hơn 1 triệu lượt xem (Ảnh chụp màn hình)
PV: Đối với những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Đối với những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN, tùy vào hành vi vi phạm mà mức độ xử lý sẽ khác nhau. Cụ thể, theo Điều 70, Nghị định 158/2013/NĐ-CP, vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị xử lý như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;
b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
c) Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều này;
c) Buộc thu hồi, tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2, Khoản 3 Điều này.”
PV: Xin hỏi Luật sư, với việc Công ty CP Đầu tư Dược phẩm Sum, có quảng cáo sản phẩm sumhevi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và sử dụng từ ngữ như: “Điều trị viêm xoang, khỏi dứt điểm, trị viêm xoang” và sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm có vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp:
“a. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;
Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
Quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.”
Như vậy, việc quảng cáo sản phẩm sumhevi với các từ ngữ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đó là thuốc chữa bệnh như: “ Điều trị viêm xoang, khỏi dứt điểm, trị viêm xoang” và sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Theo khoản 2, Điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP, mức phạt tiền quy định tại khoản 4 điều 70 nêu trên áp dụng với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp đôi cá nhân. Như vậy, với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sumhevi trái quy định của pháp luật, có thể bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
PV: Vậy cơ quan nào có thẩm quyền xử lý khi phát hiện ra những hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN?
Tùy vào mức độ vi phạm mà xác định cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP, chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử lý vi phạm đến 5.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền xử lý vi phạm đến 50.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền xử lý vi phạm đến 100.000.000 đồng;
Chánh Thanh tra Sở Y tế xử phạt các hành vi vi phạm hành chính có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo;
Chánh Thanh tra các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng các Cục: Quản lý dược, Quản lý Khám, chữa bệnh, Y tế dự phòng, An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế; Cục trưởng các Cục: Báo chí, Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo…
Xin cảm ơn luật sư!
Hoàng An