Báo cáo cuối ngày 10.2 của Bộ Y tế cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (từ 2 - 10.2, tức từ 28 tháng chạp đến mồng 6 Tết), tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức trực đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp; nhập viện điều trị nội trú 208.392 trường hợp; thực hiện 19.954 ca phẫu thuật, trong đó 441 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não. Đỡ đẻ/mổ đẻ thành công, đón 260.69 trẻ chào đời và cho xuất viện 169.747 người bệnh điều trị khỏi về nhà ăn Tết.
Cấp cứu do tai nạn
trong 8 ngày nghỉ Tết vừa qua đã có 45.622 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 14,3% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết. Trong đó, 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện và đường đến bệnh viện. Cùng với đó, đã có 313 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, không có ca tử vong; 62 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong đó có 1 trường hợp tử vong (nạn nhân bị bắn bằng súng tự chế ở Đồng Nai).
Trong kỳ nghỉ này, các bệnh viện đã cấp cứu 5.303 ca tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 15 trường hợp tử vong. Ngoài ra, có tổng cộng 22.639 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 7,1% trong tổng số khám, cấp cứu tại bệnh viện, trong đó 28 trường hợp đã tử vong.
Các cơ sở y tế đã tiếp nhận 3.281 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, trong đó 817 ca ngộ độc rượu bia, 738 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 1 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tai nạn giao thông giảm cả số ca đến khám, cấp cứu và số ca tử vong; tai nạn đánh nhau giảm nhẹ, tuy nhiên tai nạn do pháo nổ tăng cao so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Hà Trần ( t/h)