Có hay không những sai phạm?
Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc đến đường dây nóng: Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã tuyển dụng nhiều người thân vào làm việc tại những vị trí công tác quan trọng tại đơn vị.
Cụ thể, trung tâm hiện nay có hơn 60 cán bộ, viên chức thì những người được cho là người thân của ông Dương đã chiếm hơn 10 người. Trong đó, Phó phòng Hành chính là em họ của vợ ông Dương; người em dâu của ông Dương đang làm - phụ trách lên lịch phim ở Phòng Chiếu phim; người em họ ông Dương làm ở Phòng Dịch vụ…
Trong hầu hết các giao dịch mua sắm thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm… tại trung tâm, đều bị nâng giá thành cao hơn 15-20% so với giá trị thực tế trên thị trường.
Tại Phòng Chiếu phim 4D, ông Dương vẫn lập kế hoạch mua sắm thiết bị với giá trị hàng chục tỷ đồng khi chưa cần thiết. Việc mua sắm những tiết bị này, đã cho thấy giá trị thanh toán của trung tâm cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường… Điều khiến bạn đọc bức xúc đó là số tiền đầu tư lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả của Phòng Chiếu phim 4D.
Nhiều người thân của Giám đốc được tuyển dụng vào các vị trí tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia?
Bên cạnh đó, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, còn kinh doanh các dịch vụ ăn uống như bắp ngô, nước uống, đồ ăn nhẹ... Tuy nhiên, để có thể mua một phần bắp và 2 cốc nước, có giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với bên ngoài.
Giá cao là thế, nhưng theo quy định tại rạp, quý khách chỉ được phép sử dụng thức ăn và nước uống được mua tại rạp. Không chỉ tạo thế “độc quyền”, khách hàng sẽ phải chấp nhận mua với giá quá đắt hoặc không có đồ ăn hay nước uống khi vào rạp xem phim. Với khoản chênh lệch lớn như vậy, không hiểu sẽ rơi vào túi ai với hàng nghìn lượt khách tới rạp mỗi ngày?
Không chỉ có dấu hiệu “thổi giá” mua sắm trang thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm… để “ăn chênh”. Hiện nay, trong khuôn viên Rạp chiếu phim Quốc gia còn có những điểm trông giữ ô tô, xe máy không được cấp phép. Mỗi ngày, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt xe ô tô và xe máy được gửi. Số tiền thu được từ dịch vụ trông giữ xe mỗi ngày hàng chục triệu đồng nhưng không biết “chui” vào túi ai?
Sự thật sau những phản ánh là gì?
Để rộng đường dư luận, PV đã đến Trung tâm Chiếu phim quốc gia gửi xe ô tô (được cho là bãi gửi xe của Trung tâm Chiếu phim quốc gia).
Theo quan sát của PV, bãi xe chiếm gần hết hành lang dành cho người đi bộ, chỗ để xe cũng gần như chật kín, xe gửi ra vào liên tục. Lúc này, một nhân viên bảo vệ thấy tôi đang loay hoay tìm chỗ, liền ra chỉ chỗ sâu trong cùng còn một điểm đỗ xe. Khi vừa ra khỏi xe, bảo vệ liền hỏi "chị đỗ xe có lâu không?" - "Tôi vào xem phim". Bảo vệ nói: Cho xin 30.000, chị đỗ ở đây được 120 phút xem xong phim!
Điều đáng nói là nhân viên thu 30.000 đồng/lần gửi xe mà không xé bất cứ biên lai nào theo quy định về việc trông giữ xe.
Như vậy, theo phản ánh của bạn đọc, số tiền trông giữ xe hàng trục triệu đồng/ngày là có cơ sở. Và số tiền đó, sẽ được Trung tâm Chiếu phim quốc gia hạch toán như thế nào?
Bãi gửi xe ô tô mặt đường Láng Hạ trước của trung tâm
Theo quan sát của PV, bãi gửi xe máy 2 tầng kiên cố của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, được xây rào chắn chiếm gần hết vỉa hè cho người đi bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn tại khu vực mặt phố Thái Hà.
Nhiều người dân sống tại khu vực cho biết: Vì không có vỉa hè nên chúng tôi buộc phải đi xuống lòng đường. Nhưng khu vực ngã tư Thái Hà – Láng Hạ, mật độ phương tiện luôn đông đúc, vì thế mỗi lần đi qua đây đều nơm nớp lo sợ xảy ra tai nạn.
Bãi gửi xe máy chiếm trọn vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người đi bộ
Trước sự việc trên, PV đã đặt lịch làm việc và nội dung được đưa ra hết sức cụ thể. Tuy nhiên, PV đã chờ gần 1 tuần trôi qua mà không có bất kỳ phản hồi nào từ phía Trung tâm Chiếu phim quốc gia?
PV tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia để làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh. Tuy nhiên, ông Dương không nghe máy. PV đã nhắn tin nội dung cần trao đổi, nhưng cũng không có bất cứ một câu trả lời nào từ phía ông Dương?
Theo ông Bùi Ngọc Tân, Đội trưởng Đội TTGT quận Ba Đình: “Mới đây, Đội TTGT quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra hồ sơ giấy tờ của bãi xe này thì Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết, bãi xe này là trung tâm cho một đơn vị thuê để khai thác, quá trình hoạt động, chủ đầu tư đã tiến hành lấn chiếm gần 100m vỉa hè làm bãi xe…”.
Ông Tân cũng cho biết thêm: “Những sai phạm tại bãi xe của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, đã bị Đội TTGT quận Ba Đình xử phạt số tiền 25 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của PV, UBND quận Ba Đình có cấp cho Trung tâm Chiếu phim quốc gia Giấy phép tạm thời sử dụng hè phố số 281/GPHP-UBND ngày 15/9/2017 với tổng diện tích 153 m2 nhằm mục đích để đỗ xe ô tô ban ngày của cơ quan và khách, không thu tiền, thời gian sử dụng 6 tháng từ 1/10/2017 đến 30/3/2018. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khách hàng vào xem phim tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, vẫn phải đóng phí với giá 30.000 đồng/lượt cho 120 phút gửi xe.
Với hàng trăm lượt gửi xe mỗi ngày, có thể biết con số đó là không nhỏ. Dư luận thắc mắc: UBND quận Ba Đình cho phép làm bãi xe tạm không thu tiền của khách, nhưng sự thật khách tới rạp vẫn phải mất tiền, vậy số tiền trên đã đi về đâu? Điều này, ông Dương là người hiểu rõ nhất. Vậy tại sao ông Dương lại “né tránh” cơ quan báo chí; phải chăng có “lợi ích nhóm” đằng sau câu chuyện trên?
Đề nghị lãnh đạo Trung tâm Chiếu phim quốc gia có buổi làm việc cụ thể với cơ quan báo chí để thông tin được khách quan, phản hồi tới bạn đọc cả nước đang quan tâm.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền – Quang Nam