Tuy nhiên, bà Trần Bích Thủy vẫn không đồng tình với các kết luận trên, cho rằng Tổng cục có dấu hiệu bao che, dung túng cho những hành vi vi phạm của cán bộ.

Theo đơn tố cáo của bà Thủy, trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015, nhóm cán bộ trên đã bằng nhiều thủ đoạn lập chứng từ khống để hợp thức hóa nhằm rút tiền từ ngân sách nhà nước bỏ túi từ các hoạt động kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ - do Bộ Y tế phân bổ cho đơn vị hàng năm về việc Xây dựng, biên tập tài liệu DS-KHHGĐ, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tỉnh, huyện, xã/phường... tại các địa phương

Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng cục DS-KHHGĐ): Có bao che cho cán bộ sai phạm? - Hình 1

Bà Thủy làm đơn tố cáo những sai phạm của một số cán bộ tại Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng

Xin tóm tắt nội dung chính trong đơn tố cáo của bà Thủy:

"… Quyết định số 48/QĐ-TCDS ngày 19/3/2014 của Tổng cục DS-KHHGĐ phân bổ kinh phí 200 triệu đồng cho hoạt động “Xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ đạt chuẩn viên chức cho cán bộ dân số cấp xã, huyện” đã được giao Phòng Nghiệp vụ (thuộc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, của - Tổng cục DS-KHHGĐ) làm chủ trì tổ chức hoạt động này dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của bà Đỗ Thị Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng. Ngay sau đó, hoạt động được triển khai và giao cho từng giảng viên của Phòng Nghiệp vụ, trong đó có tôi là người tham gia viết theo sự phân công của Trưởng phòng.

Công việc được triển khai từ ngày 7/2/2014 đến ngày 28/11/2014, đã diễn ra rất nhiều cuộc họp nội bộ phòng Nghiệp vụ (các cuộc họp này không được thanh toán). Chúng tôi là những người trực tiếp viết tài liệu và tham gia đầy đủ các cuộc họp chỉnh sửa theo yêu cầu của bà Đỗ Thị Hồng – Phó giám đốc Đào tạo, bồi dưỡng (có nhật ký các cuộc họp về tài liệu của Phòng Nghiệp vụ). Trong suốt quá trình viết tài liệu, chúng tôi là những người trực tiếp tham gia viết từ đề cương tổng quát, đề cương chi tiết và dự thảo bài giảng cho từng môn học theo sự phân công.

Tuy nhiên, ngày 28/11/2014, bà Đỗ Thị Hồng đã trực tiếp chỉ đạo chúng tôi chuyển lại toàn bộ dự thảo tài liệu chúng tôi đã làm từ đầu năm đến ngày 28/11/2014 cho chuyên gia - những người do bà Hồng lựa chọn để làm thủ tục ký hợp đồng chuyển khoản toàn bộ số tiền thù lao là 76.875.000 đồng (bảy mươi sáu triệu tám trăm bảy mươi lăm ngàn đồng) cho họ và  yêu cầu chúng tôi chuyển toàn bộ đề cương và bản thảo do chúng tôi viết để họ hoàn thiện.

Ngoài việc làm khống chứng từ rút tiền ngân sách tham ô tiền của Nhà nước của hoạt động trên, trong năm 2014 – 2015,  các lớp tập huấn từ nguồn ngân sách Chương trình MTQG - do Bộ y tế phân bổ hàng chục tỷ đồng cho đơn vị hàng năm. Ban giám đốc Trung tâm chỉ đạo trực tiếp nhóm cán bộ thân tín của mình tham gia tổ chức làm khống chứng từ tham ô, tham nhũng rút tiền ngân sách CTMTQG chia nhau bằng những thủ đoạn khác như kê khống tiền thuê và số ngày thuê hội trường, thuê ô tô, photo tài liệu, nước uống... của gần 100 lớp tập huấn tổ chức trong năm 2014 - 2015, tại Quảng Nam, Đà Lạt, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, tP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Trong thời gian phụ trách trực tiếp Phòng Nghiệp vụ, bằng thủ đoạn tinh vi, bà Đỗ Thị Hồng trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ và cán bộ tổ chức các hoạt động dịch vụ thu tiền học của những học viên tham gia là 1.500.000 đồng/người/ lớp (có phiếu thu của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng); nhưng sau khi học xong lại phát tiền lại cho mỗi học viên 200.000 đồng (không có phiếu chi), thực tế là Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, lấy lại khoản tiền này để chia cho nhóm cán bộ tham gia giúp Lãnh đạo Trung âm giải ngân (các lớp lên đến hàng nghìn học viên/năm).

Nghiêm trọng hơn, năm 2015, Trung tâm Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, phối hợp với một số đơn vị, dự án của Tổng cục DS-KHHGĐ trực tiếp tổ chức lớp do EU tài trợ tại Đà Lạt, Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Trường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, lại không tổ chức tại cơ sở đào tạo Đà Lạt, mà lại thuê hội trường Khách sạn Hoa Hồng bên ngoài để tổ chức cho lớp học, trong khi Cơ sở Đào tạo Đà Lạt đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu của lớp học.

Năm 2014 - 2016,  Bộ Y tế đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho Cơ sở đào tạo tại  Đà Lạt (là cơ sở đào tạo của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, quản lý trực tiếp) về đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ tiện nghi về các phòng học, phòng ở cho học viên và giảng viên đạt tiêu chuẩn. Về nguyên tắc, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các lớp đào tạo của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức ở Đà Lạt tỉnh Lâm đồng đều phải tổ chức tại cơ sở của đơn vị đã được đầu tư. Trong cơ quan, mọi người đã có ý kiến trước khi tổ chức, nhưng không hiểu sao ông Trường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, vẫn cố tình chỉ đạo số cán bộ thuê khách sạn bên ngoài để tổ chức, như vậy là làm trái với quy định Nhà nước?"...

Để rộng đường dư luận và có những thông tin chính xác về việc tố cáo của bà Trần Thị Bích Thủy đối với ông Nguyễn Cao Trường, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, bà Đỗ Thị Hồng, Phó giám đốc Trung tâm và một số cán bộ khác có liên quan, phóng viên đã gọi điện đến ông Nguyễn Cao Trường, đề nghị đến Trung tâm để xác minh thông tin tố cáo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Trường đã từ chối tiếp phóng viên với lý do "đang chữa bệnh và việc phát ngôn theo quy định là do Tổng cục" (?!).

Dư luận băn khoăn: Có hay không việc làm khống chứng từ để “rút ruột” ngân sách nhà nước của một nhóm lợi ích? Trách nhiệm liên quan của từng cá nhân với số tiền tham nhũng thực tế là bao nhiêu?...

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục liên hệ với các đơn vị liên quan để làm rõ những nội dung trong đơn tố cáo của bà Trần Bích Thủy, đối với Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng.

Linh Tuệ