Cụ thể, với tiêu chí để là siêu thị, trung tâm thương mại, Bộ Công Thương quy định các địa điểm kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu về vị trí; diện tích; số lượng mặt hàng phù hợp với từng phân hạng. Bên cạnh đó, điểm kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp; các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh...
Đáng chú ý, với quy định về tiêu chí để là cửa hàng tiện lợi, cơ quan soạn thảo yêu cầu địa điểm kinh doanh phải đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch... và có diện tích tối thiểu 30 m2. Diện tích tối đa để điểm kinh doanh được phân loại là cửa hàng tiện lợi phải dưới 200 m2.
Hàng hóa chủ yếu của cửa hàng tiện lợi phải là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng và có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m và phải bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân.
Với việc đặt ra các tiêu chí cụ thể với từng loại hình hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Đồng thời, các điểm kinh doanh cũng không được đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài như: Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza...
Các chuyên gia về bán lẻ, thương mại cho rằng, nhiều điểm trong dự thảo Thông tư này không hợp lý. Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp thực tế.
Thậm chí, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù Dự thảo đưa ra 10 luật và 2 Nghị định làm căn cứ ban hành, nhưng sau khi rà soát các văn bản trên, VCCI chưa tìm thấy cơ sở pháp lý nào liên quan đến việc Quốc hội hoặc Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương ban hành Thông tư này.
"Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành văn bản này. Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý trực tiếp thì đề nghị cơ quan soạn thảo không ban hành Thông tư này", VCCI viết trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương.
Lo ngại lớn của VCCI là vì, chính sách chính của Thông tư này là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí trong Thông tư và sẽ bị xử phạt nếu phân loại không chính xác.
Ví dụ, dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán cho khách trong phạm vi 500m vì không khả thi. Với quy định này, chủ cửa hàng không thể biết khách hàng đang sinh sống tại đâu. Chưa kể, nếu cửa hàng nào phục vụ khách mua ngoài 500m có thể vi phạm pháp luật và bị xử phạt.
Theo VCCI, dự thảo Thông tư về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương còn đưa ra một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm tăng chi phí không cần thiết. Dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có nơi trông xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.
Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.
"Trong trường hợp việc phân loại chỉ nhằm mục đích thống kê của Nhà nước thì không cần thiết phải có quy định xử phạt khi doanh nghiệp gọi tên không đúng. Hơn nữa, nếu vì lý do này thì không cần thiết ban hành văn bản dưới dạng Thông tư, mà chỉ cần hình thức Công văn hướng dẫn là đủ", VCCI gửi kiến nghị tới Bộ Công Thương.
C.H (t/h)