Con số “biết nói”
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở việc lãnh đạo nhà trường sử dụng tiền ngân sách chi chưa đúng quy định mà mmotj số cán bộ trong trường còn “tố” việc lãnh đạo nhà trường có dấu hiệu báo cáo “tăng” sĩ số học sinh, sinh viên lên cao hơn thực tế để rút kinh phí miễn giảm học phí từ ngân sách nhà nước?.
Trao đổi với người có đơn tố cáo cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Ban lãnh đạo nhà trường không công khai danh sách học sinh, sinh viên cũng như danh sách học sinh sinh viên được nhận tiền miễn, giảm học phí. Nên tôi nghi ngờ lãnh đạo nhà trường có khuất tất trong báo cáo số lượng học sinh để rút kinh phí miễn giảm học phí từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể: Số tiền thực rút ở kho bạc và sử dụng thanh toán miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên năm 2018 là: 4.608.700.000 đồng. (Theo Báo cáo tình hình thu chi dự toán kinh phí ngân sách nhà nước báo cáo hội nghị CBVC 2018). Với nguồn kinh phí đã sử dụng trên thì số học sinh tương ứng phải là trên 1500 học sinh (mỗi học sinh được thanh toán miễn giảm khoảng 3 triệu đồng/người/năm). Được thể hiện rõ tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của chính phủ ngày 02/10/2015.
Theo Khoản 13 Điều 17: Đối tượng được miễn học phí là “Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp” do vậy những đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học các lớp trung cấp thuộc đối tượng được miễn học phí. (Năm 2018, học phí học sinh đóng là 300.000đ/tháng- thu theo học phí quy định từ tháng 10/2017).
Báo cáo tài chính năm 2018 thể hiện rõ số tiền Miễn giảm học phí là: 4.608.700.000 đồng.
Cụ thể về miễn giảm học phí đối với học sinh tốt nghiệp cơ sở đi học nghề được nêu rõ tại Thông tư 09 và Nghị định 86
Theo người có đơn nói: Tại một số cuộc họp, đồng chí Hiệu trưởng có đề cập số lượng học sinh, sinh viên năm 2018 là khoảng gần 1000 học sinh. Nếu khoảng gần 1000 học sinh thì nguồn kinh phí thanh toán cho miễn giảm học phí năm 2018 chưa đến 3 tỷ đồng. Nếu vậy, thì số tiền còn lại gần 2 tỷ đồng sẽ đi đâu? cần được làm rõ.
Bên cạnh đó người có đơn “bức xúc” cho biết: Theo tờ danh sách thanh toán miễn giảm học phí năm 2017 - 2018 Lớp 52 KTDN-NS tôi có được, thì thấy chữ ký của học sinh được hỗ trợ tiền miễn, giảm học phí có dấu hiệu không bình thường, nhiều nét chữ giống nhau. Trong tờ danh sách này có chữ ký của cán bộ phòng Công tác HSSV, Kế toán trưởng và Hiệu trưởng?.
Danh sách miễn giảm học phí các chữ ký của học sinh có nhiều nét chữ được cho là giống nhau?
Đối chiếu Khoản 2, Điều 11 Nghị định 86/2015/NĐ-CP đã nêu: Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm quy định tại Nghị định này và đang học tại cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học. Hàng năm việc cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm phải được quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch. Như vậy, việc lãnh đạo nhà trường không công khai minh bạch đã tuân thủ theo đúng Nghị định hay chưa?
Cũng tại Điều 23 Luật Phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 về công khai minh bạch trong lĩnh vực giáo dục ghi rõ:
Việc tuyển sinh, thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ phải được công khai.
Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, các khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với người tố cáo, PV được biết vừa qua một đồng chí cán bộ quản lý khoa chuyên môn có văn bản đề nghị cung cấp danh sách học sinh, sinh viên nhưng không được Hiệu trưởng xem xét. Trước sự việc trên đã khiến cho tập thể giáo viên trong trường bức xúc.
Như vậy, việc lãnh đạo nhà trường không công khai minh bạch danh sách học sinh sinh viên cũng như danh sách học sinh sinh viên được nhận tiền miễn, giảm học phí hàng năm có đúng quy định?
Trường có khoảng gần 1000 học sinh, sinh viên
Trước những bức xúc của cán bộ, giáo viên trường Cao Đẳng GTVT đường thủy I, về việc không công khai minh bạch những vấn đề tài chính của lãnh đạo nhà trường, cũng như danh sách của học sinh, sinh viên trong trường hằng năm.
Trong buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Vọng – Hiệu trưởng trường Cao Đẳng GTVT đường thủy I cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có liên kết đào tạo học sinh tại 7 cơ sở giáo dục khác nhau và trực tiếp đào tạo tại trường. Cụ thể những đơn vị liên kết như: (Trung tâm Công nghệ Thông tin & Truyền thông Hải Dương, Trung tâm GDTX Gia Lộc, Công ty CP Đào tạo & Hướng nghiệp Bình Minh, Trung tâm GDTX Nam Sách, Trường THPT Ái Quốc; Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Hà, Trường THPT Phan Bội Châu.
Ông Vọng cho biết: Năm học 2017 – 2018 Trường có khoảng gần 1000 học sinh, sinh viên (số lượng trên đã tính cả học sinh, sinh viên trong và ngoài trường).
Theo như ông Vọng nói thì số lượng học sinh, sinh viên trong và ngoài trường là gần 1000 học sinh thì nguồn kinh phí thanh toán cho miễn giảm học phí năm 2018 chưa đến 3 tỷ đồng. Nếu vậy thì phần còn lại gần 2 tỷ đồng mà nguồn ngân sách chuyển về trường được xử lý như thế nào? Đây là câu hỏi mà toàn thể cán bộ giáo viên trong trường cũng như dư luận đang quan tâm…!
Sĩ số học sinh ngẫu nhiên của các trường đang liên kết đào tạo!
Được biết, tại báo cáo hội nghị cán bộ công chức, viên chức năm 2018 kết quả tuyển sinh hệ chính quy dài hạn là 257 sinh viên, (đạt 51,4% so với chỉ tiêu giao). Tuy nhiên, số học sinh cho thôi học và xóa tên khỏi danh sách là 116 học sinh trong năm 2018.
Báo cáo hội nghị cán bộ công chức, viên chức
Để rõ hơn về số lượng học sinh đang theo học tại một số cơ sở liên kết, PV đã đến làm việc với các lãnh đơn vị cụ thể: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách; Trường THPT Ái Quốc; Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Hà. Thì không khỏi ngạc nhiên với con số “biết nói”:
- Trường THPT Ái Quốc: Riêng đối với các em học phổ thông thì học 3 năm, khi vào Trường có 87 học sinh, ra trường chỉ còn 7 học sinh (các học sinh đã bỏ gần hết).
- Trung tâm GDTX Thanh Hà: Vào trường 131 học sinh, ra trường 131 học sinh.
- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Nam Sách: Vào trường 157 học sinh, ra trường 157 học sinh.
Trao đổi với ông Nguyễn Bùi Mỹ - Hiệu trưởng trường THPT Ái Quốc cho biết: Học sinh của trường tôi theo học 3 năm thì được cấp bằng trung cấp nghề. Mỗi tuần các cháu học 1 buổi vào chiều thứ 7, một tháng học 4 buổi.
Với lượng kiến thức học tuần 1 buổi đối với học sinh phổ thông để sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ có song hành một bằng trung cấp nghề. Liệu kiến thức thật các em học có áp dụng được vào công việc không hay chỉ là cưỡi ngựa xem hoa?
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc với Hiệu trưởng các trường liên kết PV không khỏi ngỡ ngàng về việc Trường Cao Đẳng GTVT đường thủy 1 chỉ chi trả cho các trường là 150 nghìn/ 1 tháng/ 1 học sinh. Như vậy, mỗi học sinh chỉ được 1.500 nghìn/1 năm/1 học sinh. Con số này đã giảm đi một nửa so với số tiền miễn giảm học phí được nhà nước hỗ trợ.
Trước sự việc đang gây bức xúc cho cán bộ giáo viên trong trường Cao Đẳng GTVT đường thủy I. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có). Hơn hết, là ổn định tình hình trong trường để tập thể giáo viên yên tâm công tác.
Cao Huyền