Trường CĐ nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ VN
Đơn phương… “phá rào”
Trong đơn thư gửi đến Tòa soạn, bà Lâm Thị Vân, TGĐ Công ty CP quốc tế Hoàng Phi cho biết: Tháng 8/2016, Công ty có ký với ông Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ VN bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực may (thành lập xưởng sản xuất gia công may mặc) trên cơ sở lợi thế giữa hai bên. Trong đó, có nội dung:
Công ty CP quốc tế Hoàng Phi (bên A) có quyền sử dụng các cơ sở vật chất sẵn có của Trường CĐ nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ VN (bên B) tại xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) để thực hiện công tác may mặc, gồm: Mặt bằng các phòng học, máy móc của khoa May và thiết kế thời trang; hệ thống điện, nước phục vụ quá trình đào tạo và sản xuất hàng may mặc; toàn quyền điều hành dự án, chỉ định cán bộ điều hành dự án; có quyền không sử dụng nhân lực là các giáo viên, giảng viên của bên B nếu họ không đáp ứng được công việc của dự án; trả lương đội ngũ nhân sự của dự án (nhân viên, học viên, quản lý); chịu trách nhiệm tạm ứng các khoản chi phí để phục vụ công tác đầu tư, lắp đặt, sửa chữa, bảo trì máy móc thiết bị, chi phí tuyển dụng, trả lương cho nhân viên, học viên tại dự án… Lợi nhuận từ kết quả hợp tác giữa hai bên được phân chia theo tỷ lệ (50/50).
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các nội dung ngoài thỏa thuận, sẽ được các bên cụ thể trong các biên bản thỏa thuận kèm theo; hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản ghi trong thỏa thuận này. Bất kỳ sự thay đổi hay thỏa thuận nào khác chỉ có giá trị khi được viết thành văn bản và có chữ ký của hai bên.
Thời gian hợp tác là 60 tháng (từ tháng 8/2016 - 8/2021).
Sáu tháng chuẩn bị nhân sự, tuyển dụng cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân, sửa chữa, bảo dưỡng một số thiết bị, máy móc, nhập nguyên vật liệu để sản xuất… Tuy nhiên, khi dự án đi vào hoạt động ổn định, ngày 24/2/2017, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ VN đã đơn phương ra Thông báo số 138/TB-KTMNVN về việc tạm ngừng phối hợp sản xuất với Công ty CP quốc tế Hoàng Phi, với nội dung:
Từ ngày 01/3/2017, đề nghị công ty ngừng sử dụng nhà xưởng, thiết bị máy móc nghề may của nhà trường.
Yêu cầu Phòng Quản trị, Tổ chức hành chính, tổ bảo vệ có trách nhiệm phân công cán bộ giám sát, quản lý nhà xưởng, trang thiết bị, việc vận chuyển hàng hóa, thiết bị ra khỏi trường.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước những động thái đơn phương chấm dứt thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hình ảnh, uy tín, thương hiệu của công ty đối với bạn hàng, đối tác, đến việc làm và thu nhập ổn định của hàng chục lao động, bà Lâm Thị Vân bất bình:
“Việc nhà trường đơn phương chấm dứt thỏa thuận mà không có lý do thỏa đáng, là hành vi không lành mạnh, lợi dụng uy tín của DN để phục vụ cho mục đích nào đó của nhà trường? Yêu cầu công ty dừng hoạt động với thời gian quá gấp (Thông báo từ ngày 24/02, dừng hoạt động từ ngày 01/03) đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho công nhân, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, đơn hàng của các đối tác. Đội ngũ công nhân từ 34 người, nay chỉ còn lại 04 người làm việc.
Máy móc bỏ không vì công nhân nghỉ việc
Nhà trường đã lợi dụng DN trong việc tận dụng, cắt giảm nhân sự là giáo viên của trường để điều chuyển sang làm việc tại xưởng sản xuất may mặc và công ty phải trả lương hàng tháng, trung bình trên 6 triệu đồng/tháng/người (lúc đầu là 07 giáo viên, nay còn 01 người).
Đến nay, công ty đã đầu tư trên 500 triệu đồng cho việc sửa chữa thiết bị máy móc, tuyển dụng công nhân, nhập nguyên vật liệu… phục vụ sản xuất; cán bộ của trường được cử xuống làm việc để giám sát việc thu chi này nên rất minh bạch, rõ ràng; việc nhà trường đơn phương chấm dứt hợp tác, thiệt hại này, nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ cho chi phí mà công ty đã đầu tư. Nội dung bản Thỏa thuận cũng đã thể hiện rõ “Bất kỳ sự thay đổi hay thỏa thuận nào khác chỉ có giá trị khi được viết thành văn bản và có chữ ký của hai bên”…
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Trường CĐ nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam cho biết: “Nội dung bản Thỏa thuận hợp tác trên chưa rõ ràng, tính hiệu quả của dự án cũng chưa có, bản thân cán bộ, giáo viên nhà trường cũng rất khó khăn, thậm chí lương không bảo đảm. Việc ông Trần Việt Hùng với cương vị Hiệu trưởng nhà trường dùng tài sản hiện có của Nhà nước để ký kết với công ty nội dung bản Thỏa thuận hợp tác trên là sai mục đích hoàn toàn và không được cán bộ, giáo viên ủng hộ. Đây là tài sản của Nhà nước, ông Hùng chỉ đại diện cho nhà trường quản lý những tài sản trên để phục vụ công tác đào tạo. Nếu để xảy ra tranh chấp, biên bản này có đi đến đâu thì ông Hùng sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn và uy tín của trường sẽ bị ảnh hưởng”...
Được biết, dự án trên đi vào vận hành hoạt động ổn định từ tháng 1/2017 và bắt đầu có hiệu quả. Đề nghị các bên liên quan cần vào cuộc, làm sáng tỏ mọi vấn đề, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân và uy tín của các bên.
Nguyễn Kiên