Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ban hành ngày 16/7/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, đã bãi bỏ hoàn toàn 7 ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có diều kiện hoặc chồng chéo với pháp luật hiện hành.

Theo đó, 7 điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ đó là, các điều kiện của tổ chức lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng và điều kiện của tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng.

Điều kiện đối với đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, điều kiện đối với đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh, điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Yêu cầu về kinh doanh vật liệu xây dựng và điều kiện là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.

Từ hôm nay (15/9) bãi bỏ 7 điều kiện kinh doanh trong đầu tư xây dựng - Hình 1

Bãi bỏ 7 điều kiện kinh doanh trong đầu tư xây dựng

Ngoài ra, Nghị định sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng như: Giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm, số lượng dự án, công trình đã thực hiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng;

Giảm lĩnh vực, ngành, nghề phải cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực; Loại bỏ sự chồng chéo giữa quy định hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực khác (như: lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy).

Bỏ yêu cầu phải có hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; Không quy định cứng số lượng tối thiểu những người trong tổ chức phải đáp ứng theo từng hạng (10 người, 30 người…) để được cấp chứng chỉ năng lực mà chỉ yêu cầu cá nhân chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp. Quy định này đã khắc phục được tình trạng can thiệp sâu vào quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn, tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động; Tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm để giảm tần suất thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức.

Sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản như: Bỏ yêu cầu phải đáp ứng là tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam, có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo cao đẳng, đại học hoặc đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật; Bỏ yêu cầu có cơ sở vật chất, phòng học, địa điểm thực hành cho học viên, yêu cầu về số lượng giảng viên tối thiểu phải có trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như phân cấp thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III của cá nhân nước ngoài cho Sở Xây dựng.

Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực theo hướng: Không yêu cầu nộp bản khai kinh nghiệm công tác, bản sao văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mà thay bằng tệp tin chứa ảnh chụp của các tài liệu này, chỉ yêu cầu kê khai mã số chứng chỉ hành nghề, kê khai kinh nghiệm trong mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực, minh bạch hóa phương thức đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.

Đa dạng hóa các cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (qua mạng trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp) để tổ chức, cá nhân lựa chọn cho phù hợp. Đặc biệt, với việc bổ sung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực trực tuyến sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện, Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định trong các văn bản luật (Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; Kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành cơ sở hỏa táng) trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Lê Đại