Sau hơn 2 năm hoạt động, mới đây phóng viên đã có cuộc khảo sát về tình hình kinh doanh của các hộ dân trên tuyến phố “kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội).
Được biết tuyến đường Lê Trọng Tấn mở rộng có chiều dài hơn 1,5km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ. Ngày 7/5, tuyến đường này đã chính thức được thông xe, tổng mức đầu tư dự án gần 225 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố, do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.
Chiều cao trung bình các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất khoảng 3,2m - 3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, chỉ được sơn 2 màu xanh và đỏ là chủ đạo.
Trong thời gian đầu phố kiểu mẫu này đi vào sử dụng đã nhận được ý kiến tích cực về tuyến phố văn minh vỉa hè rộng rãi, lòng đường thông thoáng không còn tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra. Nhưng hơn 2 năm đi vào hoạt động, đã có nhiều tình huống bi hài xảy ra tại khu phố mà phóng viên đã ghi nhận được.
Các cửa hiệu đều tận dụng mọi nơi để treo, dán thêm thông tin quảng cáo để thu hút khách hàng
Chia sẻ với chúng tôi, anh Minh (35 tuổi) chủ một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao cho biết, cửa hàng của anh thì mới chuyển về đây gần 1 năm kinh doanh, nhưng chủ yếu là khách quen lâu rồi, nhưng còn để khách vãng lai thì rất ít. Do mặt hàng bên anh kinh doanh là hàng hãng và phải treo biển và logo theo hãng sản phẩm mà anh làm đại lý. Thành ra trước đây để treo được biển của hãng, anh Minh đã phải nhiều lần có mặt ở chính quyền sở tại, để làm thủ tục chứng minh, mình là đại lý của hãng.
Theo chia sẻ của anh Minh, ở tuyến phố này cũng nhiều chuyện bi hài xảy ra. Vì khách đến đây phải chăm chú nhìn số nhà hoặc phải “nhớ như in” số nhà thì mới tìm được cửa hàng. Mỗi lần khách tìm được đến số nhà cũng than thở là lúc nào cũng phải căng mắt ra nhìn vì cứ xanh xanh, đỏ đỏ lẫn hết cả đầu.
Cũng theo chị Lan, chủ một cửa hàng bán phở cho biết, trước đây biển quảng cáo nhà chị có màu đen trắng, khách hàng quen thậm chí không cần đọc biển cũng có thể nhận ra được. Thế nhưng từ ngày lắp biển kiểu mẫu vào, khách cứ ít dần đi vì tưởng nhà không bán nữa. Có khách khi đến nơi còn bảo “tìm được quán ăn bát phở” mà loạn hết cả óc để tìm số nhà, mình cũng chỉ biết cười trừ với khách.
Sau 2 năm sử dụng biển bảng mới, bà Lê (54 tuổi), chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị nhà tắm tỏ ra thất vọng: “Từ đèn đỏ giao cắt Lê Trọng Tấn - Hoàng Văn Thái xuôi xuống hết đường Lê Trọng Tấn gần như không có khách, cứ ngồi chịu khó quan sát là thấy rõ. Có những hôm mở cửa hàng cả ngày cũng chẳng có khách đến hỏi. Đoạn này gọi là “phố kém duyên” với khách. Còn từ đoạn giao cắt này trở ngược lại đến đường Trường Chinh thì có thể mở bán cầm chừng. Nói chung là phố Lê Trọng Tấn chỉ phù hợp làm văn phòng”.
Theo quan sát của PV, tại dãy phố nhiều biển hiệu vẫn được thiết kế theo đúng kích thước nhưng để thu hút khách nhiều nhiều hộ kinh doanh đã thay đổi màu sắc biển, nhiều biển phụ và đèn led đã được sử dụng. Anh Nam, một hộ kinh doanh quần áo trẻ em cho biết, từ khi sử dụng biển hiệu kiểu mẫu, khách hàng nhà anh có giảm đi nhiều, hàng hóa rơi vào cảnh ế ẩm. Sau nhiều ngày suy nghĩ gia đình anh quyết định thuê người thiết kế thêm một bảng hiệu phụ kiểu “Handmade” với màu sắc rực rỡ và hình ảnh vui nhộn, bắt mắt đặt ngay ngoài cửa tiệm. Theo anh này, từ khi có thêm bảng hiệu phụ thì cửa hàng của anh bắt đầu đông khách, làm ăn đã có lãi. “Cái khó ló cái khôn, khó khăn thì mình phải tự tìm cách khắc phục vậy”, chủ cửa hàng này chia sẻ thêm.
Bi hài là thế, nhưng nhiều người dân sống tại đây cũng cho biết sau hơn 2 năm khi tuyến phố chính thức đi vào hoạt động không thể phủ nhận rằng, chính vì sự đồng bộ trong mọi hạng mục đã khiến tuyến phố Lê Trọng Tấn mở rộng trở nên khang trang, nhất là không bị ùn tắc giao thông khiến nhiều người vô cùng phấn khởi.
Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được xem là tuyến đường kiểu mẫu của Hà Nội, bởi các biển hiệu kinh doanh dọc con đường được thiết kế đồng bộ về màu sắc và kích thước. Ở phố này, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp được sử dụng mẫu biển hiệu chung do chính quyền quy định. Cụ thể, biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3.2m - 3.3m, màu sơn chỉ được sử dụng hai màu xanh và màu đỏ, chiều cao bảng biển hiệu là 1.1m.
Hoàng An