Đồng USD tăng lên mức cao nhất mới trong 34 năm so với đồng yên Nhật vào phiên giao dịch vừa qua, được hỗ trợ một phần bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, phù hợp với dự báo và khẳng định kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Mức đỉnh của đồng USD so với đồng yên xuất hiện sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ổn định vào cuối cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, mặc dù ngân hàng này cảnh báo sẽ tăng lãi suất trong tương lai.
Đồng USD đạt 157,795 yên/USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/1990 và chốt phiên giao dịch tăng 1,3%, đạt mức 157,71.
Tại Mỹ, trọng tâm là lạm phát. Dữ liệu mới công bố cho thấy, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng 3, phù hợp với dự báo tăng 0,3%. Trong 12 tháng tính đến tháng 3, lạm phát PCE tăng 2,7%, vượt mức kỳ vọng là 2,6%. Chỉ số giá PCE là một trong những thước đo lạm phát được của Fed.
Theo công cụ FedWatch của CME, lãi suất tương lai của Mỹ đã định giá 58% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9, giảm từ mức 68% một tuần trước.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng euro giảm 0,2% xuống 1,0705 USD. Trong tuần, đồng tiền chung châu Âu đã tăng 0,4%, đạt mức tăng hằng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 3.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 27/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 18 đồng, hiện ở mức 24.246 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.704 đồng – 27.304 đồng.
Việt Anh (t/h)