Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Hoàng Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh rằng việc ứng dụng phần mềm này là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan hà nước và báo chí. Phần mềm giúp rút ngắn thời gian làm việc giữa các bên, hỗ trợ phóng viên trong quá trình tác nghiệp trực tuyến. Đặc biệt, nó còn giúp giám sát việc phản hồi từ các cơ quan, ban ngành, tránh tình trạng chậm trễ.
Phần mềm này được trang bị nhiều tính năng tiện ích, trong đó có danh sách người phát ngôn của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, giúp phóng viên dễ dàng tiếp cận và đặt lịch làm việc trực tuyến. Các phóng viên thường trú tại Quảng Bình có thể gửi yêu cầu cung cấp thông tin qua phần mềm mà không cần gặp trực tiếp, tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.
Một điểm đáng chú ý là phần mềm cho phép phản ánh khó khăn của phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Nhờ đó, Sở TTTT có thể theo dõi, tổng hợp và đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp công việc diễn ra thuận lợi.
Ngoài việc hỗ trợ phóng viên, phần mềm còn là công cụ đắc lực cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin. Các cơ quan có thể tiếp nhận đề xuất từ phóng viên, sắp xếp lịch làm việc và chuẩn bị nội dung trao đổi một cách khoa học. Những phóng viên làm việc trực tiếp cũng sẽ được cập nhật thông tin tác nghiệp lên hệ thống, giúp việc quản lý trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt, phần mềm công khai danh sách phóng viên thường trú, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước theo dõi và tổ chức làm việc minh bạch. Điều này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin mà còn tạo sự rõ ràng, minh bạch trong các hoạt động báo chí.
Việc triển khai phần mềm quản lý thông tin báo chí thể hiện vai trò quan trọng của Sở TTTT tỉnh Quảng Bình trong việc làm cầu nối giữa báo chí và các cơ quan hành chính nhà nước. Phần mềm giúp giám sát quá trình làm việc và cung cấp thông tin, đồng thời góp phần phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí.
Nhờ phần mềm, Sở TTTT có thể theo dõi toàn bộ hoạt động cung cấp thông tin, tổng hợp và báo cáo kịp thời cho các cấp quản lý. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí.
Việc Sở TTTT tỉnh Quảng Bình đưa vào sử dụng phần mềm quản lý thông tin báo chí đánh dấu bước tiến trong ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng tác nghiệp báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.
Lê Quyết