Tại phiên họp chiều 25/04, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát đã trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Báo cáo kết quá giám sát đã chỉ ra các kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, trong quy định của pháp luật, trong tổ chức thực hiện; nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và đưa ra kiến nghị giải pháp.
Trên cơ sở kết quả giám sát đã được đề cập ở trên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Trong đó, có các giải pháp cần thiết phải triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong dài hạn như tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; tiếp tục rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung.
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung, hồ sơ, tài liệu, báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội; kết cấu của báo cáo, nội dung các đánh giá, nhận định trong báo cáo bảo đảm đầy đủ và hợp lý cân đối và khách quan, toàn diện giữa mặt được, ưu điểm, tồn tại, bất cập, hạn chế, nguyên nhân. Lưu ý báo cáo tóm tắt khái quát được những kết quả nổi bật của cuộc giám sát, nêu được những diễn biến chính và những đổi mới của cuộc giám sát.
Về dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý, do đây là nghị quyết đặc thù, ngoài phản ánh kết quả giám sát như thông thường, nghị quyết còn có những nội dung quan trọng là các giải pháp trước mắt và lâu dài để lập, duyệt được các quy hoạch và hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch và định hướng để tổng kết, đánh giá và hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch.
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Đoàn giám sát, phối hợp với các cơ quan Chính phủ, đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong điều kiện bộn bề công việc cùng với tác động rất nặng nề của Covid-19; ghi nhận công tác triển khai giám sát được tổ chức công phu được trao đổi nhiều vòng, nhiều lần, kỹ lưỡng từ đề cương giám sát. Đồng thời, tổ chức nhiều nhiều hội nghị, hội thảo, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm.
Đoàn giám sát cũng đã có buổi làm việc với đại diện Chính phủ, đặc biệt là Đảng đoàn Quốc hội đã họp với Ban Cán sự đảng Chính phủ. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính nhờ cách thức tiến hành hoạt động giám sát được tiến hành bài bản, cẩn trọng, chi tiết, do đó mặc dù là chuyên đề giám sát khó nhưng các cơ quan đã đồng thuận trong nhiều nội dung nhận định, đánh giá, kiến nghị. Trong đó có việc cần thiết ban hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội.
Về nội dung báo cáo, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát song cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, biên tập để thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, xúc tích hơn nhất là báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết giám sát, các ý kiến cho rằng Nghị quyết cần đánh giá được báo cáo kết quả giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, điểm lại những nội dung chính của báo cáo, những nội dung làm được, chưa làm được, vấn đề nổi lên, vấn đề cần khắc phục. Nghị quyết của Quốc hội cũng cần tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nội dung trong Nghị quyết cần thể hiện rõ ràng, chi tiết, cụ thể để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đáp ứng mục tiêu đề ra; nhấn mạnh các nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội phải đủ chín, đủ rõ, bảo đảm tính khả thi để khi ban hành Nghị quyết phải thực hiện được, giải quyết được những tồn tại, bất cập hiện nay.
Các ý kiến cũng ghi nhận kết quả làm việc của Đoàn giám sát đã có tác dụng chuyển biến tích cực cả trong nhận thức, trong hành động, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành. Ngay chính trong Đoàn giám sát cũng nhận thức ra nhiều vấn đề giữa lý luận và thực tiễn có những bất cập và thấy rõ được những khó khăn đề từ đó có những kiến nghị, giải pháp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát, báo cáo giám sát và biểu dương Đoàn giám sát đã đổi mới trong hoạt động giám sát, nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá cao sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo đầy đủ các phụ lục, báo cáo tóm tắt và video; lưu ý về kết cấu nội dung của báo cáo để nêu bật được những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, đặc biệt là làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp bảo đảm thể hiện cô đọng.
Nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng và thành công của cuộc giám sát là có được một nghị quyết của Quốc hội, trong đó phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để lập, duyệt được các quy hoạch trong thời gian sớm nhất đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát, Tổ giúp việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, tiếp tục rà soát lại phần nhiệm vụ, giải pháp để thiết kế đầy đủ các quy định bao quát và vướng mắc cần tháo gỡ ngay để đẩy nhanh tiến độ lập, duyệt quy hoạch, đảm bảo chất lượng của các quy hoạch. Theo đó, những vấn đề nào đã rõ, đã chín và cần thiết, cấp bách sẽ phải giải quyết; những vấn đề nghiên cứu lâu dài thì nghiên cứu cẩn trọng và sẽ có đề xuất giải pháp cụ thể. Đề nghị Chính phủ phối hợp chuẩn bị với các cơ quan của Quốc hội để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để bảo đảm các yêu cầu đề ra.
Một số hình ảnh tại phiên họp: