Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của vải thiều vẫn là thị trường nội địa, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và khu vực Miền Trung, Tây Nguyên. Tại những thị trường này, ngay từ đầu vụ, Sở Công thương tỉnh Hải Dương, UBND Huyện Thanh Hà đã có kế hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Big C, Vinmart, Hapromart, Intimex… Dự kiến sản lượng tiêu thụ từ 5 – 6 tấn vải quả/ngày. Tổng sản lượng dự kiến tiêu thụ toàn vụ năm 2018 vào khoảng 75 – 80 tấn.
Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn Hapromart
Đây là sự kiện mở đầu chương trình quảng bá thương hiệu, truyền thông và tổ chức bán vải thiều Thanh Hà trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP. Được trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP nên sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vượt qua được những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và các nước Châu Âu.
Hapro và Intimex đã và đang triển khai chương trình quảng bá, phân phối và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn Hapromart, Haprofood của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và hệ thống siêu thị Intimex Home&Food của Công ty CP Intimex tập trung tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,… Các DN này đã huy động tối đa cán bộ nhân viên trong hệ thống tham gia vào việc bán vải thiều.
Bảo Ngọc