PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền):
“Báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội"
Vai trò của báo chí nói chung, nhất là báo chí địa phương trong công tác truyền thông phát triển đô thị - du lịch được thể hiện với 5 nhiệm vụ chính:
Một là, thông tin về chủ trương, chính sách phát triển đô thị - du lịch, thông tin chỉ dẫn và quảng bá nhằm thúc đẩy sự phát triển đô thị - du lịch.
Các nhóm thông tin tập trung đăng tải trên báo chí bao gồm: thông tin thời sự - chính trị về phát triển đô thị - du lịch, thông tin chỉ dẫn, thông tin tư vấn, thông tin quảng cáo (địa danh, vùng đất, đặc sản, nơi nghỉ, các dịch vụ mua sắm, ẩm thực, trải nghiệm…); thông tin cảnh báo (tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự an toàn).
Hai là, báo chí có vai trò quan trọng trong tư vấn chính sách phát triển đô thị - du lịch cho địa phương.
Thông qua các sản phẩm báo chí viết về mô hình và kinh nghiệm phát triển đô thị - du lịch, sự phân tích hệ thống, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học… báo chí góp phần nêu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển đô thị, du lịch cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các sở ban ngành địa phương trong việc xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đô thị - du lịch.
Ba là, báo chí tham gia vào xây dựng, thực thi các chương trình truyền thông phát triển đô thị - du lịch của địa phương.
Sự tham gia của các nhà báo viết về lĩnh vực đô thị - du lịch trong các tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng chiến lược hay kế hoạch tổ chức các sự kiện, chương trình truyền thông phát triển đô thị - du lịch của địa phương.
Bốn là, báo chí tham gia giáo dục văn hoá và hành vi ứng xử công chúng. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh- Truyền hình Lạng Sơn và Tạp chí Xứ Lạng nên thảo luận đề xuất một chương trình truyền thông giáo dục về vấn đề này.
Năm là, báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội nhằm phát triển đô thị và du lịch bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền):
“Hoàn thiện mô hình chiến lược truyền thông”
Tỉnh cần hoàn thiện mô hình chiến lược về truyền thông hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc bao gồm:
Thứ nhất, xác định rõ chủ thể của chiến lược truyền thông xây dựng hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc được đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn (có các cơ quan đơn vị chức năng trực thuộc làm tham mưu và triển khai hoạt động cụ thể, có cơ quan thường trực) theo một đường hướng thống nhất mang tính lâu dài và bền vững.
Trong đó, đối với mỗi giai đoạn có xác định các mục tiêu cụ thể ngắn hạn. Chủ thể của chiến lược truyền thông luôn bám sát thực tế và giúp lãnh đạo hoàn thiện các chính sách mang tính bao quát cho quá trình truyền thông.
Mục tiêu thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn luôn gắn kết với mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện của tỉnh trong suốt quá trình thực hiện các chiến dịch truyền thông.
Thứ hai, nội dung truyền thông cần xác định rõ vấn đề hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc gắn với hình ảnh của một miền biên ải xa xôi với những chiến tích lịch sử ghi vào sử sách. Hệ thống đền, chùa, di tích nổi tiếng như Tam Thanh, Nhị Thanh, Hòn Vọng phu...còn lưu giữ trong ca dao, văn thơ...
Thứ ba, báo chí truyền thông là phương tiện và công cụ đắc lực trong việc thực hiện việc chuyển tải những nội dung cơ bản nêu trên. Cần một chính sách về thông tin đối ngoại của tỉnh thống nhất trong chiến lược quốc gia, trong đó có công tác thông tin quảng bá hình ảnh vùng miền rất được coi trọng.
Giải pháp cơ bản về truyền thông hình ảnh một Lạng Sơn đặc sắc tập trung ở hai vấn đề chính là:
Sử dụng lực lượng báo chí, truyền thông đại chúng của cơ quan, tổ chức nhà nước kết hợp với lực lượng truyền thông xã hội, truyền thông cá nhân, sử dụng các kênh tiếp cận công chúng đông đảo, hướng ra bên ngoài địa giới hành chính và bên ngoài biên giới quốc gia để chuyển tải những nội dung đã được xác đinh. Nắm bắt và phân loại công chúng đích của mỗi chiến dịch truyền thông cụ thể ngắn hạn và chiến lược truyền thông lâu dài.
PGS. TS. Bùi Chí Trung, Giám đốc Trung tâm nghiệp vụ báo chí truyền thông (Đại học KHXH&NV Hà Nội)
PGS. TS. Bùi Chí Trung, Giám đốc Trung tâm nghiệp vụ báo chí truyền thông (Đại học KHXH&NV Hà Nội):
“Xây dựng mô hình truyền thông tích hợp marketing”
Trong bối cảnh truyền thông thời đại số với bùng nổ thông tin mạng xã hội cho thấy, nếu chỉ sử dụng các phương pháp truyền thông cơ bản, các kênh truyền thông truyền thống, các mô hình thông tin tuyên truyền kiểu cũ, sẽ khó đạt được sự tăng trưởng bùng nổ để kích cầu du lịch địa phương.
Cần có một giải pháp truyền thông phát triển du lịch mang tính tổng thể, trong đó cách tiếp cận phải từ góc độ thị trường, sản phẩm và người tiêu dùng.
Trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng truyền thông tích hợp marketing trong phát triển doanh nghiệp, dự án đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Việc xúc tiến các mô hình “marketing hỗn hợp” hay còn gọi là “Truyền thông marketing tích hợp” là các hoạt động truyền thông về sản phẩm du lịch và hệ thống doanh nghiệp địa phương mang tính tổng thể, toàn diện; nhằm cung cấp sản phẩm đó tới khách hàng để thuyết phục họ đi từ trải nghiệm một lần tới sử dụng thường xuyên các sản phẩm và dịch vụ đặc thù.
Thực chất của hoạt động xúc tiến hỗn hợp là việc sử dụng các phương tiện để truyền thông khác nhau để liên lạc với “thị trường” và “khách hàng mục tiêu” nhằm thông báo cho biết về sự sẵn có của sản phẩm, thuyết phục họ sản phẩm này tốt hơn trên nhiều phương diện so với những sản phẩm cùng loại khác và nhắc họ mua thêm khi đã dùng hết các sản phẩm đã mua.
Khi các nỗ lực kết nối các chuỗi hành động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và thành phần khác nhau đã đạt được điểm đồng nhất, thì cũng đồng nghĩa rằng thị phần của du lịch của các doanh nghiệp địa phương, số lượng hàng hoá tiêu thụ và doanh số bán sẽ được tăng lên.
Giải pháp truyền thông tích hợp marketing mang tính toàn diện hơn, phức tạp hơn một chương trình tuyên truyền thông thường ở chỗ phải kết hợp cả 5 đối tượng:
Nhà quản lý - là người hoạch định chính sách vĩ mô của địa phương; Nhà doanh nghiệp - là đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch; Nhà truyền thông - hệ thống cơ quan báo chí trung ương và địa phương cũng như giới truyền thông trên các hạ tầng mạng xã hội; Nhà công nghệ - đơn vị nghiên cứu thiết hoặc sở hữu các hạ tầng viễn thông/công nghệ thông tin đặc thù; Người dân, được hiểu là cả những người dân địa phương tham gia phối hợp phát triển du lịch địa phương, cũng như cộng đồng du lịch trong và ngoài nước.
Với Lạng Sơn, để phát triển một chiến lược marketing tổng thể để xác định làm rõ thế nào mà tất cả hoạt động marketing tiến đến cấp độ rộng lớn, tác động bao trùm cả địa phương; với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cùng truyền thông đến khách hàng.
Nhà báo Nguyễn Đức Minh, Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam)
Nhà báo Nguyễn Đức Minh, Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam):
“Truyền thông hướng đích trong thu hút đầu tư - du lịch”
Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin. Truyền thông hướng đích là truyền thông có tính định hướng, để nhanh chóng đạt được mục tiêu, đích đến đặt ra.
Các hoạt động xúc tiến quảng bá tiềm năng trong thu hút đầu tư, du lịch là yếu tố quan trọng để đạt được những mục tiêu phát triển của địa phương.
Trong thu hút đầu tư phát triển đô thị và du lịch, thì quyền quyết định nằm trong tay các nhà đầu tư và du khách. Họ phải có được lượng thông tin đủ hấp dẫn về nơi họ sẽ đến thì mới quyết định đặt chân tới. Bởi vậy trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch thì truyền thông đóng vai trò tiên phong trong việc cung cấp thông tin, là ấn tượng đầu tiên mà các nhà đầu tư hay du khách có được về một địa phương.
Do vậy, truyền thông nhằm thu hút đầu tư, du lịch của mỗi địa phương cũng cần có chiến lược riêng.
Để hoạch định chiến lược truyền thông thì việc đầu tiên là phải xác định được mục tiêu, đích đến của những sản phẩm truyền thông là gì. Những sản phẩm truyền thông có chiến lược, hướng đến một mục tiêu rõ ràng có thể gọi là “truyền thông hướng đích”.
Trong truyền thông hướng đích, thì đích đến chỉ có một. Trong chiến lược truyền thông xúc tiến đầu tư, hay thu hút du lịch, thì đích đến đó chính là “thương hiệu” tương ứng với mỗi giai đoạn, mục tiêu của địa phương.
Truyền thông hướng đích đối với thu hút đầu tư phát triển đô thị và du lịch của tỉnh Lạng Sơn sẽ phải bắt đầu từ việc xác định “cái đích” của Lạng Sơn cho mỗi năm là ở đâu; “thương hiệu” của Lạng Sơn cho mỗi giai đoạn là gì. Và chỉ có một “cái đích”, một “thương hiệu” cho mỗi giai đoạn. Việc xác định “cái đích” cho truyền thông của tỉnh không ai khác chính là lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền tỉnh và các sở, ban ngành địa phương.
Về phương thức thực hiện, thì sản phẩm của “truyền thông hướng đích” lại không hề xa lạ mà chính là những sản phẩm, chương trình truyền thông quen thuộc mà các địa phương đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua, như các sản phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình, các bài viết trên mạng xã hội, các clip trên nền tảng số như youtube, facebook, các hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến, băng rôn, cổng chào, logo, áo mũ, quà tặng.
Nhà báo Đinh Thị Ánh Tuyết, Thư ký báo Điện tử VietNamNet
Nhà báo Đinh Thị Ánh Tuyết, Thư ký báo Điện tử VietNamNet:
“Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch”
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông về du lịch, qua đó tạo đột phá trong nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững và hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Là cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VietNamNet xác định, việc thực hiện kế hoạch của Bộ là một nhiệm vụ lớn và cấp bách.
Xác định nhiệm vụ quảng bá du lịch một cách có trách nhiệm, Báo VietNamNet bằng hàng vạn tác phẩm báo chí, định hướng bạn đọc có ý thức giữ gìn di sản, phục hồi và tái sinh những nét đẹp của danh thắng, văn hóa, con người Việt Nam.
Qua truyền thông du lịch, không chỉ thu hút du khách tiềm năng, tăng lượng khách quay lại điểm đến, kích thích chi tiêu của du khách, thu hút đầu tư du lịch, mà còn tham mưu hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành và chính quyền các địa phương phát triển du lịch một cách bền vững.
Báo VietNamNet, đang từng ngày thúc đẩy nhận thức vai trò của việc phát triển du lịch bền vững, hướng tới đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, trang bị các hệ thống dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn sinh thái, nhãn sinh thái xanh.
Cùng với việc chủ động tìm đến các Sở du lịch và doanh nghiệp lữ hành để giới thiệu chiến lược truyền thông dài hạn, VietNamNet đã phát triển sẵn hạ tầng truyền thông du lịch, với nhiều kênh, nhiều loại hình truyền thông hấp dẫn, có khả năng tương tác cao, đồng bộ với hạ tầng chung để bảo đảm tính chuyên nghiệp vì mục tiêu chung là phát triển du lịch.
Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch, VietNamNet tự đặt ra nhiệm vụ tăng cường các hoạt động truyền thông hình ảnh, điểm đến an toàn, thân thiện tới các du khách trong nước và quốc tế. Quyết tâm cùng các địa phương trên cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng tạo đòn bẩy kích thích cộng đồng du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Kỳ vọng trong năm 2020 đầy khó khăn này, Lạng Sơn sẽ tiếp nhận các đề xuất, giải pháp để khai thác được sức mạnh truyền thông trong phát triển du lịch, tiến tới xây dựng đô thị du lịch đúng nghĩa tại Lạng Sơn trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Kiên (Ghi)